Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định doanh nghiệp công nghệ dù tham gia vào một công đoạn vận tải sẽ bị coi là đơn vị vận tải và chịu điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải là không hợp lý, tạo gánh nặng và chi phí vô lý cho doanh nghiệp...
Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là nhiều quy định áp dụng với các loại xe sử dụng hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm (xe Grab), có nội dung giống như taxi truyền thống.
Theo đó, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe.
Hiện nay tại Việt Nam ngoài Grab thì còn có các ứng dụng đặt xe khác như: Emddi, Vato, Didi Việt Nam... Nhiều hãng taxi truyền thống có phần mềm riêng như: Mai Linh Car, Thành côngCar, Vic.Car…
Đề xuất “gắn mào” taxi công nghệ như đề xuất của Bộ GTVT ngay sau đó nhận được những ý kiến trái chiều. Anh Trung - một tài xế Grab cho biết anh khá lo lắng khi đọc thông tin trên báo chí về quy định này.
Cũng giống một bộ phận tài xế Grab khác, anh Trung không chạy xe chuyên nghiệp mà tận dụng ô tô lúc nhàn rỗi để chở khách kiếm thêm thu nhập. “Việc phải gắn thêm mào xe vậy mất thẩm mỹ và tôi cảm thấy bất tiện”, anh Trung phàn nàn.
“Không phải ai cũng chạy chuyên nghiệp. Nhiều anh em lái xe Grab do còn thời gian rảnh nên mới tham gia làm thêm. Nên nếu phải gắn mào taxi, nhiều người chắc chắn sẽ bỏ nghề”, một lái xe Grab khác cho biết.
Cách đây mấy năm, tại thời điểm Uber, Grab bắt đầu cung ứng dịch vụ taxi công nghệ, người ta bắt đầu hiểu hơn về khái niệm “kinh tế chia sẻ”. Loại hình này thu hút một lượng lớn lái xe tham gia thông qua ứng dụng đi chung tận dụng xe nhàn rỗi, hạn chế xe cá nhân ở các đô thị lớn.
Không phủ nhận sự “biến tướng” của loại hình này khi lực lượng tham gia đội ngũ lái xe taxi công nghệ ngày càng hùng hậu. Nhiều người thậm chí còn vay tiền mua xe để chạy một cách chuyên nghiệp chứ không còn ý nghĩa “tận dụng”.
Tuy nhiên, khi buộc phải “gắn mào” xe hoặc chịu nhiều những quy định siết chặt khác thì việc những người dân có xe rảnh rỗi khai thác theo kiểu kinh tế chia sẻ sẽ rút dần là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh đó, nhiều lo ngại về việc khách có thể vẫy tay để yêu cầu dịch vụ mà bản thân hãng cung cấp phần mềm không quản lý được, và điều này có thể gây rủi ro cho hành khách cũng như sự thiếu kiểm soát đối với các hãng.
Taxi truyền thống nói gì?
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, gắn hộp đèn “taxi điện tử” nhằm minh bạch tất cả xe taxi chạy trên đường là cần thiết. Taxi công nghệ thì bản chất đó là loại hình kinh doanh taxi do vậy cần phải có logo, có mào...
Khi gắn mào “taxi điện tử” cho Grab hay các hãng ứng dụng khác có nghĩa là loại hình này đã được xếp “cùng một ô” với taxi truyền thống. Việc lái xe bắt khách vẫy dọc đường là điều không tránh khỏi.
Trước câu hỏi có lo ngại sẽ bị cạnh tranh hơn khi tài xe Grab có thể bắt khách dọc đường, ông Hùng nói: Dự thảo Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang được soạn thảo với nhiều quy định rõ ràng, công bằng, cạnh tranh hơn đối với các loại hình. “Tôi tin rằng khi có một sân chơi bình đẳng, chúng tôi không ngại cạnh tranh”, ông Hùng nói.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật BASICO cho rằng, taxi công nghệ kết nối các phương tiện tham gia vận chuyển hành khách trong thời gian rảnh rỗi. “Nó không kinh doanh taxi chuyên nghiệp nên việc ép phương tiện gắn phù hiệu nhận diện là bất hợp lý”, ông Đức nói với Dân trí.
Ông Đức cũng cho rằng, với những mô hình như Grab thì cần xác định đây không phải taxi truyền thống hay taxi công nghệ, cũng không đơn thuần chỉ là sự kết hợp của cả hai mà là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
“Tạo môi trường bình đẳng không có nghĩa là kéo loại hình này về quản như taxi. Áp theo khung quản lý cũ sẽ triệt tiêu hết những tiến bộ mà Grab đem lại cho người dùng”, ông Đức nói và cho rằng cần phải đưa ra những điều kiện, quy định mới nhằm phát huy những mặt tích cực mà mô hình mới này đem lại.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng rằng quy định doanh nghiệp công nghệ dù tham gia vào một công đoạn vận tải sẽ bị coi là đơn vị vận tải và chịu điều kiện hoạt động như một đơn vị vận tải là không hợp lý, tạo gánh nặng và chi phí vô lý cho doanh nghiệp và cuối cùng người tiêu dùng phải chịu thiệt.
Theo Nguyễn Mạnh/ Dân Trí