240
/
79488
Cuống cuồng “chắp vá” quy trình đưa đón học sinh
cuong-cuong-chap-va-quy-trinh-dua-don-hoc-sinh
news

Cuống cuồng “chắp vá” quy trình đưa đón học sinh

Thứ 5, 19/09/2019 | 18:01:10
551 lượt xem

Sau sự việc học sinh bị bỏ quên trên xe dẫn tới tử vong xảy ra tại trường Gateway (Hà Nội), lại tiếp tục có một vụ bỏ quên cháu bé 3 tuổi của trường Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí (Bắc Ninh) đã gióng lên cảnh báo nghiêm túc về việc cần thiết phải có những quy định bắt buộc trong công tác đưa đón học sinh. Cho tới lúc này, ngành Giáo dục vẫn chưa công bố bất cứ thông tin nào yêu cầu các trường phải đáp ứng quy trình đưa đón cụ thể, dù chỉ mang tính tạm thời để công tác đảm bảo an toàn. 

Công an quận Cầu Giấy tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên ôtô đưa đón của trường Gateway.Ảnh: PD

Công an quận Cầu Giấy tiến hành thực nghiệm hiện trường vụ bé trai 6 tuổi tử vong do bị bỏ quên trên ôtô đưa đón của trường Gateway.Ảnh: PD

“Mất bò mới lo làm chuồng”

Sau sự việc xảy ra tại trường Gateway hồi đầu tháng 8 , gần 1 tháng sau, ngày 3.9, Sở GDĐT Hà Nội đã gửi công văn yêu cầu các Phòng GDĐT các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục trực thuộc thống kê phương tiện tham gia đưa, đón học sinh và số lượng học sinh đi học bằng ôtô và báo cáo Sở trước ngày 20.9. Nhiều địa phương khác trên khắp cả nước cũng cấp tập chỉ đạo các cơ sở giáo dục có biện pháp chấn chỉnh đối với công tác đưa đón học sinh bằng ôtô. Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức kiểm tra, rà soát các trường học có sử dụng xe ôtô hợp đồng đưa đón học sinh phải thực hiện quy định về an toàn giao thông đối với phương tiện, người lái. Đồng thời kiểm tra thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh.

“Đau đầu”, “vắt chân lên cổ” xây dựng quy trình chuẩn đưa đón học sinh, bảo vệ an toàn cho học sinh là thừa nhận của nhiều lãnh đạo làm trong ngành giáo dục khi nhắc tới sự cố bỏ quên học sinh trên xe đưa đón của nhà trường. Lãnh đạo một trường học trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội bộc bạch: “Hiện Việt Nam không có quy định riêng cho xe đưa đón học sinh. Các xe đưa đón học sinh hiện nay có thể do trường đầu tư và đăng ký dưới dạng xe vận chuyển nội bộ, hoặc thuê xe hợp đồng. Trước khi có sự việc đau lòng của cháu L.H.L tại Trường Gateway thì các cơ quan quản lý chẳng quan tâm, hỏi han gì đến quy trình này cả. Nhưng kể từ sau vụ việc, liên tiếp công văn, văn bản chỉ đạo xây dựng, rà soát quy trình mới được đưa ra”.

Vị này cho biết: “Tôi thấy buồn khi sự việc xảy ra mà không lãnh đạo, cơ quan quản lý giáo dục nào đứng ra nhận trách nhiệm và xây dựng một quy trình chuẩn áp dụng chung cho cả nước. Đơn vị nào cũng nói chung chung là các trường có dịch vụ đưa đón trẻ, học sinh rà soát, xây dựng quy trình, quy định rõ điều kiện, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng thành viên tham gia nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, học sinh trong suốt quá trình từ khi tiếp nhận, đưa đến trường, đón về và bàn giao cho gia đình. Như vậy, vẫn sẽ là hình thức manh mún, mỗi trường một kiểu, sẽ có trường làm, trường không”. Lãnh đạo trường học này cho rằng Bộ GDĐT, các cơ quan quản lý “mất bò mới lo làm chuồng”!

Vẫn còn tâm lý chủ quan

Tất cả những gì tới nay các cơ quan quản lý Nhà nước làm được chỉ là tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Trong khi đó, cả hai vụ việc xảy ra tại Hà Nội và Bắc Ninh thì nguyên nhân lại không bắt nguồn từ yếu tố con người chứ không phải do kỹ thuật hay chất lượng phương tiện. Cả hai vụ việc đều xuất phát từ quy trình đón rước, kiểm đếm, bàn giao học sinh từ khi lên xe tới khi vào lớp đã không được thực hiện một cách trọn vẹn. Trong khi đó, tới lúc này, chưa một cơ quan nào quy định cụ thể công việc đưa, đón học sinh phải thực hiện theo quy trình nào, các bước phải làm ra sao.

Cần thiết phải có quy định cụ thể về quy trình đưa đón học sinh, việc mà tới lúc này ngành giáo dục vẫn chưa làm được. Ảnh: C.NCần thiết phải có quy định cụ thể về quy trình đưa đón học sinh, việc mà tới lúc này ngành giáo dục vẫn chưa làm được. Ảnh: C.N

Để ngăn chặn sự việc đáng tiếc sau chuyện xảy ra tại trường Gateway, ngày 7.8, Ủy ban ATGT quốc gia đã có văn bản đề nghị Bộ GDĐT có chỉ đạo đối với các trường có tổ chức đưa đón học sinh đến trường bằng xe ôtô phải đảm bảo quy định của pháp luật. Đồng thời hợp đồng vận chuyển giữa nhà trường và đơn vị kinh doanh vận tải cần ghi rõ những yêu cầu về an toàn giao thông, bảo vệ sức khoẻ cho học sinh khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ôtô. Trên xe phải có người chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định và kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe và khi lên, xuống xe ôtô. Thế nhưng, chỉ 1 tháng sau, sự việc xảy ra tại trường Mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh) lại tiếp tục xảy ra, rất may không để lại hậu quả xấu nhất song điều đó cho thấy công tác chỉ đạo dường như vẫn chỉ “trên nóng dưới lạnh”.

Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng GDĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng thừa nhận: Đối với loại xe vận chuyển học sinh, Sở GDĐT đã có văn bản chỉ đạo rà soát các loại xe vận chuyển học sinh với các nội dung: Xe còn hạn lưu hành, xe phải đảm bảo các điều kiện như xe vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, chưa có quy định chi tiết về quy trình đưa đón với từng đối tượng học sinh khác nhau, nhất là lứa tuổi mầm non và tiểu học. Phòng GDĐT có văn bản yêu cầu các trường rà soát các loại xe vận chuyển, trong đó yêu cầu xe đảm bảo lưu hành cần có cơ quan kiểm định, cơ quan chuyên môn.

Theo ông Phạm Ngọc Anh, quận Cầu Giấy chỉ có quy định chung, còn mỗi trường sẽ có cách thức riêng, nhưng phải đảm bảo là khi đưa đón học sinh phải có người giám sát và khi giao nhận học sinh phải có điểm danh. Sở đã nhấn mạnh quy trình đưa đón phải có sự giám sát chặt chẽ giữa giáo viên chủ nhiệm cũng như học sinh phụ huynh. Ngày 16.8, Bộ GDĐT có công văn gửi giám đốc các Sở GDĐT về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ôtô. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng Bộ chưa chủ động trong xây dựng một quy trình chuẩn mà mới chỉ dừng ở chỉ đạo địa phương tự thực hiện...

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 18.9, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia - cho biết: “Luật Giao thông đường bộ không có quy định nào về xe buýt đưa đón học sinh, cho nên không thể đưa nhiều hơn so với quy định của Luật. Nghị định cũng chỉ hướng dẫn luật nên cũng không thể quy định thay luật nên đó là vướng mắc hiện nay. Chúng ta đang thực hiện sửa luật, có bổ sung thêm các quy định về các yếu tố thực tế đã có nhưng chưa đề cập, trong đó có vấn đề xe buýt học sinh”

Theo Huyên Nguyễn - Đức Thành/Lao động

  • Từ khóa

Du khách nước ngoài: Nếu biết vịnh Hạ Long ô nhiễm như vậy sẽ không đến

Một du khách nước ngoài đã phàn nàn về tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt nước ở vịnh Hạ Long, vịnh Lan Hạ trên mạng xã hội, sau khi vừa kết thúc...
10:48 - 19/04/2024
22 lượt xem

Cải thiện quyền lợi của lao động nữ

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024; trong đó, có nhiều nội...
10:05 - 19/04/2024
51 lượt xem

Nắng nóng lan rộng khắp miền Bắc

Miền Bắc nắng nóng diện rộng trở lại từ ngày 19/4, Hà Nội và các tỉnh đồng bằng ghi nhận mức nhiệt cao nhất trên 35 độ C. Tình trạng này khả năng kéo dài...
06:30 - 19/04/2024
135 lượt xem

Người dân TPHCM xếp hàng dài dâng hương giỗ Tổ Hùng Vương

Hàng nghìn người dân từ nhiều nơi đổ về khu Đền Tưởng niệm vua Hùng (TP Thủ Đức) từ sớm, chờ dâng hương tưởng nhớ công ơn Quốc Tổ nhân giỗ Tổ Hùng...
15:59 - 18/04/2024
488 lượt xem

Cùng hành động để người khuyết tật tiếp cận và sống độc lập

Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng...
09:51 - 18/04/2024
630 lượt xem