240
/
66559
Lái xe say rượu: khi nào bị tù, khi nào bồi thường?
lai-xe-say-ruou-khi-nao-bi-tu-khi-nao-boi-thuong
news

Lái xe say rượu: khi nào bị tù, khi nào bồi thường?

Thứ 3, 23/10/2018 | 14:02:41
1,265 lượt xem

Tai nạn giao thông liên quan rượu bia một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa.

Lái xe say rượu: khi nào bị tù, khi nào bồi thường? - Ảnh 1.

Chiếc xe do bà Nguyễn Thị Nga lái gây tai nạn tại vòng xoay Hàng Xanh (TP.HCM) tối 21-10 và các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia - Ảnh: LÊ PHAN - TL

Vụ tai nạn kinh hoàng ở ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM đêm 21-10 làm 1 người chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng, 2 người bị thương nhẹ. Nữ tài xế được CSGT cho biết đã uống bia rượu trước đó, tông thẳng vào những xe máy đang dừng chờ đèn đỏ.

Khi nào thì bị tù giam, khi nào chỉ bồi thường?

Luật sư Nguyễn Lệ Thủy - nguyên thẩm phán TAND TP.HCM - cho biết: Khoản 1 điều 260 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau: người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc các trường hợp:

- Làm chết một người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của một người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho hai người với tỉ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%... thì phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Khoản 2 điều 260 này cũng quy định trường hợp có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng thì bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết luận của cơ quan điều tra cùng với thẩm vấn tại phiên tòa để biết sự việc xảy ra ra sao, diễn biến như thế nào, tình tiết thu thập được trong quá trình điều tra tại cơ quan điều tra để có mức xử phạt cho phù hợp.

Tùy trường hợp, tùy diễn biến vụ việc mà tòa quyết định mức hình phạt tù, giam giữ hoặc không giam giữ.

Lái xe say rượu: khi nào bị tù, khi nào bồi thường? - Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn vào đêm 21-10-2018 tại ngã tư Hàng Xanh, TP.HCM - Ảnh: LÊ PHAN

Xử phạt nặng lái xe uống rượu bia gây TNGT

Trung tá Nguyễn Văn Bình, đội trưởng đội tham mưu Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn TP xảy ra 353 vụ TNGT, làm 337 người chết và 91 người bị thương.

Dự báo tình hình TNGT cuối năm diễn biến cho thấy đa số vụ có nguyên nhân người lái xe cùng lúc vi phạm nhiều lỗi như vi phạm tốc độ, có uống rượu bia trước đó, đi không đúng chiều đường, không chấp hành tín hiệu giao thông...

Theo trung tá Bình, lái xe khi đã uống rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Do đó, để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần kéo giảm TNGT, hằng năm phòng triển khai rất nhiều chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn với hàng chục ngàn trường hợp mỗi năm.

Mới đây, từ ngày 29-6 đến 29-9, PC08 triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Trong thời gian từ 16-11-2017 đến

15-10-2018, lực lượng CSGT TP đã xử phạt 21.107 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Theo PC08, người tham gia giao thông cần lưu ý rằng "đã uống rượu bia - không lái xe". Đây là điều cần chấp hành tuyệt đối, nhất là với người lái ôtô.

Mức xử phạt đối với những lỗi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn hiện cũng ở mức cao để răn đe.

Theo nghị định 46, người điều khiển ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 tháng, tạm giữ xe một tuần.

Riêng mức cao nhất, người điều khiển ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, bị tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng.

Tại sự kiện Tuổi Trẻ Online ra mắt giao diện mới, lãnh đạo báo Tuổi Trẻ cùng đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Heineken Việt Nam đã ký kết tổ chức hoạt động truyền thông nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng với thông điệp "Đã uống rượu bia thì không lái xe".

Diễn đàn sẽ được phát động trong tháng 10-2018.

Lái xe say rượu: khi nào bị tù, khi nào bồi thường? - Ảnh 3.

Nạn nhân P.H.B. (24 tuổi, quê Khánh Hòa) trong vụ tai nạn tại ngã tư Hàng Xanh bị gãy 1/3 xương đùi trái, đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định - Ảnh: DUYÊN PHAN

65-70% người lái xe có uống rượu liên quan đến TNGT

"Trong ba tháng đầu năm 2018, có 65-70% người điều khiển phương tiện liên quan đến các vụ TNGT có vi phạm nồng độ cồn" - ông Khuất Việt Hùng, phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết.

Kết quả một cuộc khảo sát do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 10 tỉnh thành cách đây vài năm cho thấy tỉ lệ các vụ TNGT do rượu bia chiếm khoảng 40%.

UYÊN TRINH


Có mùi cồn, mời vào tù

Ở nhiều nước, chỉ cần lái xe bị phát hiện có mùi rượu và thử máu hoặc nước tiểu có vi phạm là phạt tiền, rút bằng lái, thậm chí là ngồi tù.

Cảnh sát Singapore cho biết trong 6 tháng đầu năm 2018 có 3.905 vụ tai nạn giao thông làm 56 người chết, giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước về số người chết.

Ở Singapore, người lái xe máy hay ôtô nếu gây tai nạn thì tùy mức thiệt hại, tình trạng tỉnh táo khi lái xe (có say rượu hay sử dụng thuốc kích thích) sẽ có mức phạt đến 5.000 SGD (hơn 80 triệu đồng) và ngồi tù từ 6 tháng đến 5 năm, tịch thu bằng lái xe 12 tháng, thậm chí còn bị phạt tù mức gấp ba lần nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng nhưng không quá 10 năm, và phạt đánh đến 6 roi nếu gây tai nạn chết người.

Cảnh sát Singapore sẽ kiểm tra nồng độ cồn trong máu và hơi thở của lái xe, nếu vượt quá mức 35 microgam nồng độ cồn/100ml hơi thở hoặc 80 microgram trong 100ml máu, lái xe sẽ bị bắt ngay lập tức mà không cần lệnh bắt giữ.

Ở Mỹ, tùy bang nhưng mức độ cồn trong máu của lái xe chỉ cần từ 50 - 80 microgram/100ml máu sẽ bị tước bằng lái xe đến 6 tháng, bị phạt ngồi tù từ 1 - 60 ngày. Sau thời hạn giam còn phải tham gia chương trình giáo dục, cải tạo dành cho người vi phạm lái xe trong tình trạng có độ cồn.

Ở Úc, chỉ cần hơn 50 microgram cồn/100ml máu đã là vi phạm và bị tước bằng lái 1 tháng kèm theo hình phạt 700 đôla Úc, từ 50 microgam đến 79 microgram/100ml máu bị phạt 700 đôla Úc và tước bằng lái 2 tháng.

Đến mức 149 microgram trở lên thì phạt 2.100 đôla Úc và phạt tù tùy bang sẽ giam từ 9 - 12 tháng.

LÊ NAM


Luật sư TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN (giảng viên thỉnh giảng Học viện Tư pháp tại TP.HCM):

Có độ cồn là khởi tố, không cần gây ra tai nạn

Theo tôi, các quy định về hành vi vi phạm trong luật hiện nay chưa đủ nghiêm, có những quy định hành vi vi phạm nhưng không kiểm soát được.

Ví dụ như tài xế lái xe đường dài, luật quy định thời gian lái xe nhưng thực tiễn không kiểm soát được để xử phạt dẫn đến họ sử dụng chất kích thích để chống buồn ngủ, mệt mỏi… Đó là một trong những nguyên nhân dễ gây tai nạn.

Một điều phải kể đến là ý thức của người dân tuân thủ pháp luật chưa cao.

Theo tôi, với tình trạng trật tự an toàn giao thông hiện nay, thiệt hại từ tai nạn giao thông quá lớn cho xã hội mà rượu bia là một trong những nguyên nhân thì luật nên quy định, chỉ cần uống rượu bia mà sau đó lái xe thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Có như vậy mới đủ sức răn đe, chứ không phải gây ra thiệt hại mới chịu trách nhiệm.

S.BÌNH - H.LỘC - X.MAI - U.TRINH


2 vụ tai nạn hậu quả nghiêm trọng

* Tối 25-12-2012, ông N.N.T. (sinh năm 1964, ngụ quận 12, phó tổng biên tập một tạp chí) lái ôtô sau khi uống rượu bia. Khi đến ngã tư Lê Đức Thọ - Phạm Huy Thông, ông T. đã tông vào một xe máy khiến hai cha con ông Đ.N.Q. tử vong.

Sau tai nạn, ông T. đã hỗ trợ chi phí mai táng, bồi thường tổn thất tinh thần, phụ nuôi con nhỏ của ông Q. với tổng số tiền gần 1,5 tỉ đồng.

Ngày 30-8-2013, TAND quận Gò Vấp đã tuyên phạt ông T. 3 năm tù và TAND TP.HCM xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Hiện có kháng nghị nên Ủy ban thẩm phán TAND tối cao tại TP.HCM đã tuyên hủy 2 bản án đã tuyên; trả hồ sơ cho các cơ quan tố tụng TP.HCM điều tra, xét xử lại từ đầu.

* Chiều 7-10-2011, T.A.H. (sinh năm 1969, bác sĩ của một bệnh viện ở TP.HCM) lái ôtô 5 chỗ đã tông 2 ôtô lưu thông cùng chiều, đồng thời lao lên phía trước gây tai nạn cho 13 xe máy đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Lý Thái Tổ - Sư Vạn Hạnh.

Hậu quả: 2 người tử vong, 7 người bị thương.

Ngày 19-6-2013, TAND TP.HCM xử phạt bị cáo H. 7 năm tù.

S.BÌNH - U.TRINH


Theo S.Bình - H.Lộc - X.Mai - U.Trinh/Tuổi trẻ Online

  • Từ khóa

6 cán bộ thuộc diện Thành ủy Hà Nội quản lý liên quan vụ cháy 56 người chết

Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, công an đã mời nhiều người liên quan lên làm việc, trong đó có 6 cán bộ thuộc diện Ban...
19:37 - 28/03/2024
243 lượt xem

Sân bay Tân Sơn Nhất được tăng tần suất bay cao điểm 30.4 và hè

Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được điều chỉnh lượt cất, hạ cánh nhằm tăng tần suất bay cho các hãng hàng không, đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp...
16:45 - 28/03/2024
306 lượt xem

Dân hiến đất, chính quyền chi 100 tỷ đồng làm kè ngăn sạt lở sông Thạch Hãn

Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) có tổng mức đầu tư 100 tỷ đồng. Người dân và các địa phương vùng dự án tự nguyện giải phóng...
14:48 - 28/03/2024
356 lượt xem

Yên Bái: Mưa đá bất thường ở Mù Cang Chải

Sáng nay tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) xảy ra trận mưa đá bất thường, tàn phá nhiều hoa màu của dân.
12:10 - 28/03/2024
461 lượt xem

Cà Mau chi 10 tỉ hỗ trợ người dân có nước ngọt sử dụng

Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra nhiều nơi, tỉnh Cà Mau đã thống nhất sử dụng 10 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ người dân mua...
10:53 - 28/03/2024
440 lượt xem