24
/
99640
Dù Trump hay Biden thành Tổng thống, Triều Tiên vẫn là “cơn đau đầu” của nước Mỹ
du-trump-hay-biden-thanh-tong-thong-trieu-tien-van-la-con-dau-dau-cua-nuoc-my
news

Dù Trump hay Biden thành Tổng thống, Triều Tiên vẫn là “cơn đau đầu” của nước Mỹ

Thứ 5, 29/10/2020 | 07:13:15
335 lượt xem

Cả ông Trump và ông Biden đều có lợi thế và bất lợi riêng khi đàm phán với Triều Tiên song dù ai trở thành Tổng thống, Bình Nhưỡng vẫn là “cơn đau đầu” của Washington.

Cơn đau đầu của nước Mỹ

75 ngày sau khi ông Obama trở thành Tổng thống, Triều Tiên đã thử tên lửa, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng quốc tế lớn đầu tiên của chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Không lâu sau khi Donald Trump đắc cử, Bình Nhưỡng cũng tiến hành cuộc thử tên lửa đầu tiên. Ngày thứ 23 ông Trump làm Tổng thống, khi nhà lãnh đạo Mỹ và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngồi ăn tối ở dinh thự của ông Trump tại Florida, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã giám sát vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn của nước này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: CNN

Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: CNN

Câu hỏi đặt ra hiện nay là nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden thay thế ông Trump và trở thành Tổng thống trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới, liệu Triều Tiên có tiến hành một số hành động khiêu khích tương tự như vậy hay không?

Khi nói về việc hiểu được những tính toán của Triều Tiên, chúng ta đều quen với nhận định: Dự đoán luôn là việc rất khó, nhất là khi nói về tương lai. Hơn nữa, Triều Tiên nổi tiếng là một trong những quốc gia cô lập và bí ẩn nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo CNN, Bình Nhưỡng đã nghiên cứu rất kỹ về các chính quyền ở Washington. Điều này được chứng minh qua những ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Tổng thống Obama. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un cùng các cố vấn của ông biết cách thu hút sự chú ý của Mỹ và họ có thể sẽ lựa chọn làm vậy sau khi bị xếp xuống hàng thứ yếu trong cuộc bầu cử Mỹ, sau những vấn đề như biểu tình vì bất bình đẳng sắc tộc hay đại dịch Covid-19.

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn là một trong những vấn đề "khó nhằn" nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Từ năm 2006, Triều Tiên đã thử thành công 6 thiết bị hạt nhân và 3 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), những vũ khí mà ông Kim Jong Un khẳng định rằng, có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn sự hung hăng từ nước ngoài và đảm bảo sự sống còn của chế độ.

Dù vậy, việc theo đuổi mục tiêu phát triển các chương trình hạt nhân đã khiến Triều Tiên phải đánh đổi bằng một cái giá đắt. Quốc gia này phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, trong đó có việc cấm trao đổi buôn bán với thế giới bên ngoài và ngược lại. Điều đó tức là Bình Nhưỡng hầu như có rất ít cơ hội để cải thiện kinh tế đất nước và gia tăng chất lượng sống cho người dân - một lời hứa quan trọng của ông Kim Jong Un với nhân dân Triều Tiên.

Mỹ hy vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ khiến Triều Tiên bị tê liệt và buộc ông Kim phải ngồi vào bàn đàm phán. Tổng thống Trump cho rằng bằng cách trở thành Tổng thống đầu tiên trao đổi trực tiếp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, ông có thể sớm tạo nên một số đột phá trong mối quan hệ với nước này. Dù vậy, bất chấp những cuộc trao đổi một - một, quá trình đàm phán giữa 2 bên vẫn đình trệ kể từ Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai năm 2019 giữa 2 nhà lãnh đạo tại Hà Nội.

"Có những cơ hội tiềm năng để tiến hành một cuộc trao đổi trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo nhưng mọi thứ đã cho thấy, việc này không phải một "viên đạn bạc" để giải quyết các vấn đề", Markus Garlauskas, cựu quan chức tình báo quốc gia về Triều Tiên thuộc Hội đồng Tình báo Quốc gia của Mỹ đánh giá.

Theo chuyên gia Garlauskas, Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội đã cho thấy hai bên không thiếu cơ hội đối thoại hay sự tương tác giữa các nhà lãnh đạo. Nhà phân tích này cho rằng "trở ngại cơ bản là ông Kim Jong Un thiếu sự quan tâm đến việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và nhà lãnh đạo Triều Tiên sẵn sàng tiếp tục trả giá đắt để duy trì kho vũ khí này".

Bài toán khó với ông Trump và ông Biden

Đến nay, chính quyền Tổng thống Trump coi chính sách Triều Tiên của họ trong những năm qua là một chiến thắng bởi kể từ tháng 11/2017 đến nay, nước này đã không tiến hành bất kỳ vụ thử vũ khí hạt nhân hay tên lửa tầm xa nào, những loại vũ khí được cho là có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.

Trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên, ông Trump và ông Kim Jong Un dường như nhất trí một thỏa thuận ngầm rằng, miễn là đàm phán còn tiếp tục thì Triều Tiên sẽ không thử ICBM hoặc bom hạt nhân. Đổi lại, Tổng thống Trump sẽ thu hẹp quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Những cuộc tập trận này bị phía Triều Tiên coi là hành vi thù địch và được tiến hành nhằm "xâm lược" nước này.

Thỏa thuận trên không áp dụng với các tên lửa tầm ngắn, có khả năng nhằm vào quân đội Mỹ hoặc các đồng minh của nước này trong khu vực. Do đó, Triều Tiên vẫn tiếp tục thử các loại tên lửa này, cũng như không cam kết sẽ ngừng việc phát triển các loại vũ khí trên.

Ngày 10/10, Triều Tiên đã phô diễn loại vũ khí được cho là một trong những ICBM lớn nhất thế giới tại cuộc diễu binh trong dịp lễ kỷ niệm trọng đại ở Bình Nhưỡng. Các chuyên gia về vũ khí nhận định đây dường như là một tên lửa khổng lồ có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân đủ sức xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa. Điều đó cho thấy cam kết của Triều Tiên trong việc ngừng thử ICBM không có nghĩa là họ sẽ ngừng phát triển phương tiện này.

Nếu Triều Tiên cân nhắc phát triển loại tên lửa mới này, Bình Nhưỡng sẽ cần tiến hành phóng thử. Mặc dù ông Kim Jong Un cam kết sẽ không thử ICBM trong quá trình đàm phán với Mỹ nhưng ông cho biết trong bài phát biểu hồi năm 2019 rằng ông cảm thấy không cần có nghĩa vụ phải tuân thủ lời hứa trên. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng đổ lỗi cho Mỹ về sự đình trệ trong quá trình đàm phán và nói rằng Bình Nhưỡng "đã bị Mỹ lừa" khi lãng phí 18 tháng trao đổi.

Hiện một số chuyên gia lo ngại, việc thử tên lửa đạn đạo tầm xa khổng lồ mới có thể là bước tiếp theo để Triều Tiên thu hút sự chú ý sau bầu cử Mỹ.

"Tôi sẽ không hề ngạc nhiên khi thấy Triều Tiên tiến hành các động thái ở những khu vực thử tên lửa đạn đạo hoặc thử hạt nhân, đặc biệt nếu ông Biden giành chiến thắng. Theo tôi, Triều Tiên muốn đặt ông ấy vào thế phải phòng vệ ngay từ đầu và cách mà họ thực hiện sẽ giống những gì họ từng làm với Tổng thống Obama".

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất của ông Biden có thể diễn ra trong quá trình chuyển giao nếu trở thành Tổng thống. Trên trang web tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ chỉ có một câu mơ hồ về chính sách với Triều Tiên, vì thế, ông Biden và các cố vấn của ông cần nhanh chóng xác định một chiến lược để thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên, cũng như tìm ra những người phù hợp để thực hiện chiến lược này.

Joseph Yun, người từng là đặc phái viên về Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama và Tổng thống Trump cho biết việc ông Biden cần trao đổi với phía Triều Tiên và vạch ra những lằn ranh đỏ sớm nhất có thể có ý nghĩa quan trọng.

"Việc có một khởi đầu tốt là rất quan trọng. Ông ấy có lẽ muốn gửi tới một thông điệp tới Triều Tiên rằng chúng tôi muốn trao đổi, chúng tôi đã chuẩn bị đàm phán và hiện nay, hãy cho chúng tôi thêm thời gian cũng như đừng tiến hành bất kỳ vụ thử tên lửa nào", chuyên gia Yun phân tích.

Tuy nhiên, mỗi ứng viên tranh cử tổng thống đều có những lợi thế và bất lợi riêng. Mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim có thể giúp Bán đảo Triều Tiên "hạ nhiệt" nhưng cam kết đưa Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn của ông vẫn thiếu tính thực tế.

Ông Biden từng chỉ trích mối quan hệ giữa ông Trump và ông Kim. Dù vậy, cựu Phó Tổng thống Mỹ vẫn có cơ hội để thiết lập lại mọi thứ. Ông Biden không cần yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức. Ứng viên đảng Dân chủ cũng sẽ thuyết phục Nhật Bản và Hàn Quốc rằng hướng tiếp cận "có đi có lại" của ông Trump với các đồng minh là điều chỉ xảy ra một lần, đồng thời đảm bảo Washington sẽ thực hiện các cam kết quốc phòng bất kể chi phí như thế nào.

Tuy nhiên, thực tế là cả ông Biden và ông Trump đều đối mặt với cùng một thách thức, đó là làm thế nào để khiến Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và cuối cùng là giải trừ quân bị khi mà nước này luôn coi những điều trên có ý nghĩa sống còn để ngăn cản những mối đe dọa từ bên ngoài.

Cho tới nay, cả hai ứng viên vẫn chưa có câu trả lời và Triều Tiên tiếp tục là "cơn đau đầu" của nước Mỹ cho dù bất kỳ ai trở thành Tổng thống./.

Theo Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) nguồn CNN

https://vov.vn/the-gioi/du-trump-hay-biden-thanh-tong-thong-trieu-tien-van-la-con-dau-dau-cua-nuoc-my-813402.vov

  • Từ khóa

Thái Lan nóng như "đổ lửa", 30 người chết vì sốc nhiệt trong 4 tháng

Từ đầu năm tới nay, Thái Lan đã ghi nhận 30 trường hợp tử vong vì sốc nhiệt khi quốc gia Đông Nam Á hứng chịu thời tiết nắng nóng dữ dội.
15:50 - 25/04/2024
74 lượt xem

CEO TikTok nói cứng, quyết giành quyền tồn tại

Giám đốc điều hành (CEO) TikTok Shou Zi Chew hôm 24-4 cho biết công ty sẽ nộp đơn kiện ra tòa với nỗ lực duy trì hoạt động trực tuyến tại Mỹ.
14:23 - 25/04/2024
91 lượt xem

Đưa mạng di động 4G vào vũ trụ

Nhắn tin trên Mặt Trăng? Truyền phát dữ liệu trên Sao Hỏa? Đó là tầm nhìn chung của NASA và Nokia.
11:07 - 25/04/2024
192 lượt xem

Thủ tướng Tây Ban Nha cân nhắc từ chức sau khi vợ bị điều tra

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết ông đang xem xét với phương án từ chức sau khi vợ ông bị điều tra vì nghi vấn tham nhũng trong kinh...
08:30 - 25/04/2024
239 lượt xem

IAEA: Iran có thể trữ đủ uranium để chế bom hạt nhân trong vài tuần

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho rằng Iran có thể mất vài tuần để trữ đủ uranium làm giàu nhằm chế tạo bom hạt nhân.
19:15 - 24/04/2024
571 lượt xem