24
/
85504
Các nước cam kết “không can dự” vào tình hình Libya
cac-nuoc-cam-ket-khong-can-du-vao-tinh-hinh-libya
news

Các nước cam kết “không can dự” vào tình hình Libya

Thứ 2, 20/01/2020 | 11:15:54
477 lượt xem

Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya đã kết thúc tại Berlin, Đức với cam kết các nước sẽ không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của quốc gia này.

Hội nghị hòa bình quốc tế về Libya vừa kết thúc tại thủ đô Berlin, Đức với cam kết tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Libya nhằm sớm khôi phục hòa bình tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Tuy nhiên, lãnh đạo hai bên tham chiến trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya được Liên Hợp Quốc công nhận Fayez al- Sarraj và tướng Khalifa Haftar, dẫn đầu lực lượng miền Đông đã từ chối gặp nhau trực tiếp tại hội nghị quốc tế do Liên Hợp Quốc chủ trì này.  

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas rời buổi họp báo sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Libya tại Berlin, Đức ngày 19/1/2020 kết thúc. Ảnh: Reuters

Kết quả lớn nhất đạt được tại hội nghị là việc lãnh đạo 11 nước tham gia, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã khẳng định cam kết, sẽ không có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, lãnh đạo nước chủ nhà hội nghị đặc biệt hoan nghênh bước tiến này: “Tất cả các bên tham gia, trong đó có cả các tổ chức khu vực như Liên đoàn Arab, Liên minh châu Âu và tất nhiên là cả Liên minh châu Phi, đều nhất trí rằng, chúng ta cần phải có một giải pháp chính trị. Bởi một điều rõ ràng là giải pháp quân sự chỉ dẫn tới làm gia tăng những khổ đau mà người dân Libya phải gánh chịu”.

Gần 10 năm sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Muamar Kadhafi, Libya vẫn trong tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc và bạo lực leo thang. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, một được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và một ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Chính phủ ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi chính quyền ở miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và được cho là nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Tại Hội nghị, các nước tham gia cũng cam kết tôn trọng lệnh cấm vận vũ khí đối với Libya, được Liên Hợp Quốc thông qua năm 2011, song tới nay vẫn không được thực hiện đầy đủ.

Kể từ khi giao tranh tái bùng phát giữa các lực lượng đối lập tại Libya hồi tháng 4/2019 vừa qua, đã có hơn 280 dân thường và 2.000 tay súng thiệt mạng và theo Liên Hợp Quốc, hơn 170.000 người dân đã phải rời bỏ nhà cửa. Đất nước chìm sâu trong khủng hoảng, bạo lực và các cuộc tranh giành quyền lực chưa hồi kết kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền cố Tổng thống Mouammar Kadhafi năm 2011. Liên Hợp Quốc hi vọng, hội nghị sẽ củng cố hơn nữa lệnh ngừng bắn có hiệu lực hôm 12/1 vừa qua theo sáng kiến của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: “Căng thẳng tại Libya những ngày qua đã leo thang lên một mức rất nguy hiểm. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng khi có thêm một số can thiệp từ nước ngoài. Chúng ta đang phải đối mặt với mối nguy cơ leo thang thực sự tại khu vực và tại Berlin chúng ta đã đạt được một cam kết mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng này.”

Theo Liên Hợp Quốc, một cuộc gặp giữa đại diện quân sự hai lực lượng tham chiến chính tại Libya có thể diễn ra trong những ngày tới nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn thường xuyên như kêu gọi của các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Berlin. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hi vọng những bước tiến đạt được tại Berlin sẽ giúp đi tới một lệnh ngừng bắn toàn diện, dù vẫn còn những câu hỏi về khả năng của cộng đồng quốc tế kiểm soát tiến trình thực hiện của các bên.

Việc Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên Hợp Quốc công nhận của Libya Fayez al- Sarraj và tướng Khalifa Haftar, đứng đầu lực lượng miền Đông không gặp nhau trực tiếp tại Hội nghị đã phần nào khiến kết quả hội nghị trở nên mong manh hơn. Phát biểu với báo chí sau hội nghị, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thừa nhận, khoảng cách giữa các bên tham chiến vẫn còn khá xa. Cộng đồng quốc tế tới nay vẫn chưa thúc đẩy được một cuộc đối thoại nghiêm túc và ổn định giữa hai lực lượng này. Chia sẻ quan điểm, Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đi tới hòa bình tại Libya./.

Theo VOV.VN

https://vov.vn/the-gioi/cac-nuoc-cam-ket-khong-can-du-vao-tinh-hinh-libya-1002159.vov 

  • Từ khóa

Ông Clinton, Obama tái xuất hỗ trợ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Biden

Sự xuất hiện của 2 người tiền nhiệm Bill Clinton và Barack Obama được cho là sẽ tạo ra cú hích cho chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe...
19:34 - 28/03/2024
35 lượt xem

Singapore: Cụ ông 82 tuổi suýt mất 3,7 triệu đô la vì bị lừa qua điện thoại

Một cụ ông 82 tuổi người Singapore đã suýt mất 3,7 triệu đô la Singapore (hơn 68 tỷ đồng) vì mắc bẫy của những kẻ lừa đảo qua điện thoại.
15:15 - 28/03/2024
139 lượt xem

Điều chỉnh nóng khi Mỹ tuyên bố thềm lục địa mới

Nga điều chỉnh chiến lược Bắc Cực khi Mỹ tuyên bố thềm lục địa mới.
15:48 - 28/03/2024
130 lượt xem

Tổng thống Argentina phát ngôn 'sỉ nhục', Colombia phản ứng ngoại giao cứng rắn

Bộ Ngoại giao Colombia ngày 27.3 đã ra lệnh trục xuất các nhà ngoại giao Argentina ra khỏi nước này sau phát ngôn được cho là 'bôi nhọ' của Tổng thống...
14:37 - 28/03/2024
167 lượt xem

90 giây trước thảm kịch tàu hàng đâm sập cầu ở Mỹ

Một nhân viên điều phối đã phát hiện ra và kịp yêu cầu ngừng lưu thông trên cầu Francis Scott Key trước khi con tàu đâm sập một phần cầu, nhưng không kịp...
10:39 - 28/03/2024
245 lượt xem