24
/
67658
Diễn biến cuộc đối đầu khiến Nga nổ súng bắt tàu chiến Ukraine
dien-bien-cuoc-doi-dau-khien-nga-no-sung-bat-tau-chien-ukraine
news

Diễn biến cuộc đối đầu khiến Nga nổ súng bắt tàu chiến Ukraine

Thứ 2, 26/11/2018 | 16:23:36
1,167 lượt xem

Nga cáo buộc nhóm tàu chiến Ukraine tìm cách vượt eo biển Kerch và có hành động gây hấn, buộc họ phải điều tàu tuần tra ngăn chặn.

 7h sáng 25/11 (11h ngày 25/11 giờ Hà Nội), tàu pháo Berdiansk, Nikopol và tàu kéo Yany Kapu của hải quân Ukraine tiến gần tới eo biển Kerch do Nga kiểm soát, nối liền Biển Đen với Biển Azov. Các tàu trước khi đi qua eo biển này thường thông báo trước lịch trình với phía Nga, nhưng Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cáo buộc ba chiến hạm Ukraine đã không "tuân thủ quy trình", theo RT.

Kiev cho biết nhóm tàu di chuyển từ thành phố cảng Odessa tới Mariupol theo kế hoạch đã thông báo cho Moskva từ trước. Phía Nga bác bỏ, khẳng định không nhận được thông tin về chuyến đi của nhóm tàu Ukraine.

Nga lập tức triển khai các tàu cảnh sát biển liên tục yêu cầu tàu chiến Ukraine rời khỏi lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước này, nhưng nhóm tàu này dường như đã phớt lờ. "Họ đi vào khu vực tạm thời bị phong tỏa, thực hiện nhiều động tác di chuyển nguy hiểm và không chấp hành mệnh lệnh từ nhà chức trách Nga", FSB ra thông cáo cho biết.

FSB gọi hành động này là "khiêu khích", lo ngại rằng nó có thể gây ra "tình huống xung đột". Các tàu tuần tra Nga sau đó truy đuổi, đâm húc và cuối cùng nổ súng để buộc nhóm chiến hạm Ukraine dừng lại. Cả ba tàu đều bị bắt, chịu sự giám sát của FSB và Vệ binh quốc gia Nga.

Tàu tuần tra Nga và chiến hạm Ukraine cơ động trên eo biển Kerch sáng 25/11. Ảnh: Twitter. 

Nhà chức trách Nga cho biết ba thủy thủ trên tàu Ukraine bị thương đã được chăm sóc y tế, trong khi Kiev khẳng định có 6 người bị thương trong vụ va chạm này. Moskva sau đó triển khai một tàu hàng chặn ngang luồng hàng hải dưới cầu vượt eo biển Kerch, đồng thời điều hàng loạt tàu cảnh sát biển, cường kích Su-25 và trực thăng vũ trang Ka-52 tuần tra khu vực này.

Aleksey Volkov, giám đốc cơ quan cảng vụ tại bán đảo Crimea, xác nhận eo Kerch bị đóng cửa "vì lý do an ninh".

Tới 11h30, hai tàu hải quân Ukraine rời cảng Berdyansk trên biển Azov để tới eo biển Kerch, dường như tìm cách tiếp cận khu vực xảy ra va chạm giữa chiến hạm Ukraine và tàu tuần tra Nga. Tuy nhiên, các tàu chiến này sau đó nhanh chóng quay đầu và trở lại điểm xuất phát.

"Kiev dàn dựng tình huống khiêu khích, sau đó gây đối đầu và cáo buộc bên kia có hành động hung hăng", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố. Moskva dự kiến mở cuộc điều tra hình sự về hành động "xâm phạm biên giới" của Kiev trên Biển Đen.

Hành trình của hai nhóm tàu Ukraine xuất phát từ Odessa và Berdyansk. Đồ họa: Drive.

Rạng sáng 26/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tổ chức họp khẩn với Ủy ban An ninh Quốc phòng (NSDC), đề xuất ban bố tình trạng thiết quân luật trên khắp đất nước trong vòng 60 ngày. Quốc hội Ukraine dự kiến sẽ bỏ phiếu, xem xét việc thông qua đề xuất này trong hôm nay.

Quân đội Ukraine cũng được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, Tổng thống Poroshenko nói các động thái này không đồng nghĩa với việc tuyên chiến, khẳng định Ukraine không có kế hoạch tấn công bất cứ nước nào.

Bộ Ngoại giao Ukraine yêu cầu Nga hỗ trợ y tế cho người bị thương, trao trả ngay lập tức các phương tiện bị bắt. Kiev cũng bác cáo buộc của Moskva, khẳng định tàu chiến Nga nổ súng khi ba tàu Ukraine đã rút ra khu vực cách lãnh hải Nga 20 km.

Chính phủ Nga yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp khẩn để bàn về việc duy trì hòa bình, an ninh sau vụ va chạm. Nguồn tin giấu tên cho biết nhiều trực thăng vận tải Mi-8 chở theo đặc nhiệm Nga đang tập kết ở làng Zavetnoe, sẵn sàng thực hiện chiến dịch đổ bộ để kiểm soát các tàu chiến Ukraine trong hôm nay.

Azov là vùng biển nằm giữa lãnh thổ Nga và Ukraine. Căng thẳng tại đây leo thang kể từ tháng 3 sau khi lực lượng biên phòng Ukraine bắt một thuyền đánh cá của Nga, động thái được Moskva ví như "cướp biển có tổ chức". Nga hồi tháng 6 cũng bắt hai ngư dân Ukraine với cáo buộc đánh cá trộm.

Quan hệ giữa Moskva và Kiev xấu đi sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và phong trào đòi ly khai nổ ra ở miền đông Ukraine từ năm 2014. Chính phủ Ukraine và các nước phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ vũ khí cho phe ly khai tại tỉnh Donetsk và Lugansk, nhưng Điện Kremlin bác bỏ. Chiến sự ở Đông Ukraine đến nay vẫn kéo dài mà chưa bên nào giành được lợi thế rõ ràng.

Theo VnExpress

  • Từ khóa

Hà Lan chi 2,5 tỉ euro để giữ chân người khổng lồ ngành sản xuất chip ASML

Chính phủ Hà Lan quyết định chi 2,5 tỉ euro để cải thiện nhiều thứ nhằm giữ chân ASML, vốn chuyên cung cấp máy sản xuất chip hàng đầu thế giới hiện...
17:11 - 29/03/2024
109 lượt xem

Thủ tướng Đức nêu điều kiện cho hòa đàm Nga - Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, hòa bình có thể đạt được bất cứ lúc nào nếu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine.
16:00 - 29/03/2024
136 lượt xem

Tòa Công lý quốc tế buộc Israel có trách nhiệm ngăn nạn đói ở Dải Gaza

Tòa Công lý quốc tế (ICJ) buộc Israel, nước bị Nam Phi cáo buộc diệt chủng ở Dải Gaza, phải bảo đảm thực phẩm cho người Palestine và ngăn nạn đói lan...
14:11 - 29/03/2024
180 lượt xem

Chính quyền Myanmar và lá bài bầu cử

Đối mặt với sức ép lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc chính biến năm 2021, quân đội Myanmar tiếp tục nêu cam kết sẽ tổ chức bầu cử để kêu gọi người...
12:00 - 29/03/2024
252 lượt xem

Đông Nam Á bùng nổ tội phạm mạng

Thống kê mới ở Thái Lan cho thấy chỉ trong năm 2023, người dân nước này đã nhận được tới 79 triệu tin nhắn và cuộc gọi lừa đảo.
09:51 - 29/03/2024
297 lượt xem