24
/
66074
Lý do Mỹ sẽ 'ngậm bồ hòn' khi Ấn Độ mua tên lửa S-400 Nga
ly-do-my-se-ngam-bo-hon-khi-an-do-mua-ten-lua-s-400-nga
news

Lý do Mỹ sẽ 'ngậm bồ hòn' khi Ấn Độ mua tên lửa S-400 Nga

Thứ 2, 08/10/2018 | 17:17:21
605 lượt xem

Ấn Độ là thị trường vũ khí lớn, cũng là đối tác quan trọng trong liên minh đối phó Trung Quốc, khiến Mỹ khó có thể áp đặt trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 5/10. Ảnh: Reuters 

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 5/10 ký hợp đồng cung cấp 5 tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại S-400 Triumf với tổng giá trị lên đến 5,43 tỷ USD. Theo hợp đồng này, các tổ hợp S-400 sẽ được Nga bàn giao trong vòng hai năm tới, ngoài ra Ấn Độ còn chi thêm 2,2 tỷ USD để mua bốn hộ vệ hạm tên lửa của Nga.

Thông thường khi thỏa thuận một thương vụ lớn như vậy với Nga, Ấn Độ sẽ bị Mỹ lập tức áp đặt cấm vận phạt theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua Lệnh trừng phạt (CAATSA) vốn được thông qua vào năm 2017. Tuy nhiên, Mỹ đến nay mới chỉ đưa ra một số lời đe dọa mà chưa áp dụng bất cứ biện pháp trừng phạt nào với Ấn Độ.

Biên tập viên Sebastien Roblin của National Interest nhận định Washington nhiều khả năng sẽ "ngậm bồ hòn làm ngọt", chấp nhận sự đã rồi và áp dụng quy chế miễn trừ cho New Delhi sau thương vụ S-400 này, và quan hệ Mỹ - Ấn nhiều khả năng không bị ảnh hưởng vì các lý do chính trị và kinh tế.

Mỹ đang cố gắng tranh thủ Ấn Độ với tư cách là thành viên của Bộ Tứ, liên minh không chính thức nhằm đối phó với việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ấn Độ cũng ngày càng quan tâm đến việc cùng Mỹ, Nhật, Australia tăng cường vai trò của Bộ Tứ, trong bối cảnh quan hệ giữa New Delhi và Bắc Kinh có nhiều căng thẳng trong thời gian qua.

Tên lửa phòng không S-400 khai hỏa trong một cuộc diễn tập. Ảnh: RIA Novosti. 

Phát biểu tại hội đàm Mỹ - Ấn 2+2 ở New Delhi hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Mỹ "ủng hộ hoàn toàn việc Ấn Độ trở thành cường quốc toàn cầu". Cũng trong cuộc hội đàm này, đại diện Mỹ tái khẳng định mong muốn giúp Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Trong khi liên minh Trung Quốc – Pakistan ngày càng được củng cố, liên minh Mỹ - Pakistan gần đây có dấu hiệu rạn nứt, khiến cả Mỹ và Ấn Độ phải tìm cách hợp tác với nhau. Mỹ kỳ vọng với sự hỗ trợ của mình và các quốc gia khác, Ấn Độ sẽ trở thành đối trọng của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương, đóng vai trò bổ trợ cho chiến lược của Mỹ tại đây.

Mỹ khó trừng phạt Ấn Độ vì thương vụ S-400 với Nga còn bởi quốc gia Nam Á này là thị trường vũ khí có tiềm năng rất lớn. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ trong năm 2017 lên đến 52,5 tỷ USD, trở thành quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn thứ 5 thế giới, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS).

Bài học lịch sử cho Mỹ thấy rằng khi áp dụng biện pháp cứng rắn với Ấn Độ, họ đã đánh mất một thị trường xuất khẩu vũ khí tiềm năng, đẩy nước này đến gần hơn với Nga.

Khi xung đột Ấn Độ - Pakistan nổ ra vào năm 1965, Mỹ cấm vận Ấn Độ và ngay lập tức Liên Xô lấp khoảng trống. Liên Xô cung cấp cho Ấn Độ một loạt khí tài hạng nặng, như xe tăng chiến đấu chủ lực T-55, xe tăng lội nước PT-76, trực thăng Mi-4, tiêm kích MiG-21 và tên lửa chống hạm P-15 Termit, giúp quân đội Ấn Độ giành lợi thế trước Pakistan năm 1971.

Xuất phát từ yếu tố lịch sử đó, Ấn Độ hiện nay có quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga chặt chẽ hơn rất nhiều so với Mỹ. Sau khi Liên Xô tan rã, Ấn Độ tiếp tục mua các loại vũ khí hiện đại của Nga như xe tăng T-90, tiêm kích đa nhiệm Su-30MKI, tiêm kích MiG-29, tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm diesel - điện, thậm chí còn mua tàu Đô đốc Gorshkov để hoán cải thành tàu sân bay INS Vikramaditya.

Tuy nhiên, cơ hội đến với Mỹ khi Nga gần đây tăng cường quan hệ quốc phòng với Trung Quốc và Pakistan, các đối thủ tiềm tàng của Ấn Độ. Sau khi Nga đồng ý bán tiêm kích Su-35S và tên lửa S-400 cho Trung Quốc, Ấn Độ bắt đầu tỏ ra quan tâm với các loại vũ khí của Mỹ.

Năm 2016, Ấn Độ và Mỹ ký thỏa thuận về việc chia sẻ các căn cứ quân sự, đồng thời Mỹ đồng ý bán máy bay tuần tra P-18, máy bay vận tải C-17, máy bay vận tải C-130 và trực thăng tấn công Apache cho Ấn Độ. Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định rằng có dấu hiệu cho thấy Ấn Độ quan tâm đến các loại tiêm kích của Mỹ như F/A-18 Super Hornet và F-35, khi nước này chấm dứt việc cấp ngân sách cho chương trình phát triển tiêm kích tàng hình FGFA với Nga.

Trong bối cảnh Mỹ muốn Ấn Độ trở thành đối tác nhằm hình thành liên minh đối phó với sự mở rộng về mặt quân sự của Trung Quốc cũng như xuất khẩu thêm vũ khí cho Ấn Độ, giới phân tích nhận định rằng New Delhi chắc chắn sẽ được Washington miễn trừ khỏi đạo luật CAATSA sau thương vụ mua S-400 từ Nga.

"Mỹ sẽ phải tiếp tục tỏ ra kiên nhẫn trong việc xây dựng mối quan hệ sâu sắc hơn trên Ấn Độ trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, thậm chí phải làm ngơ trước các biện pháp trừng phạt do chính họ đặt ra, kể cả khi New Delhi tiếp tục duy trì quan hệ trong lĩnh vực quân sự với Moskva", biên tập viên Sebastien Roblin của War is Boring bình luận.

Theo Nguyễn Tiến/ Vnexpress

  • Từ khóa

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024

Sáng 16/4, tại buổi họp báo do Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức, Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc đã công bố các chỉ số phát triển kinh...
16:34 - 16/04/2024
296 lượt xem

Tâm trạng hoang mang của người dân Iran khi Israel thề trả đũa

Nhiều người dân Iran tỏ ra hoang mang trước khả năng Israel tấn công trả đũa vụ Tehran bắn UAV và tên lửa vào các mục tiêu tại Israel cuối tuần qua.
15:51 - 16/04/2024
323 lượt xem

Thủ tướng Đức thăm Trung Quốc, ông Tập nêu điều kiện phát triển quan hệ ổn định

Ngày 16-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển ổn định, miễn là cả hai đều tôn...
14:49 - 16/04/2024
342 lượt xem

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck sẽ được "chào đón" nếu hồi hương

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã lên tiếng sau khi cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra nói muốn em gái mình, bà Yingluck Shinawatra, về nước trong năm...
11:17 - 16/04/2024
427 lượt xem

CEO Apple Tim Cook mang gì đến Việt Nam?

Làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay 16-4, dự kiến CEO Tim Cook sẽ đưa ra các đề xuất liên quan đầu tư của Apple tại Việt Nam.
09:22 - 16/04/2024
458 lượt xem