4
/
76499
Thủ tướng nêu 2 việc cấp bách với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước
thu-tuong-neu-2-viec-cap-bach-voi-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc
news

Thủ tướng nêu 2 việc cấp bách với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Thứ 4, 17/07/2019 | 19:11:43
1,073 lượt xem

Thủ tướng cho biết, điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước, trong đó có 2 việc cấp bách.

Sáng 17/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải sau khoảng 10 tháng Ủy ban chính thức đi vào hoạt động.

Buổi làm việc có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành và 19 tập đoàn, tổng công ty đã bàn giao về Ủy Ban quản lý vốn.

thu tuong: tranh tinh trang "quyen anh, quyen toi" hinh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc.

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định chức năng quản lý Nhà nước và chức năng kinh doanh. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Ủy ban chính thức đi vào hoạt động từ 30/9/2018. Việc ra đời Ủy ban là để tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Nhiệm vụ quan trọng của cuộc làm việc là các bộ, ngành nêu ý kiến thảo luận, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả.

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã giải quyết 2 nhóm công việc. Thứ nhất là nhận bàn giao và tiếp tục xử lý những công việc do các Bộ đang xử lý dở dang; thứ hai là giải quyết những công việc thuộc quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Song, một trong những khó khăn quan trọng của Ủy ban là thiếu nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm để giải quyết các công việc quan trọng mà Ủy ban tiếp nhận từ các Bộ, ngành. Cùng với đó là một số quy định hiện nay còn chồng chéo, dẫn đến khó khăn, chậm trễ trong triển khai nhiệm vụ.  

Tại buổi làm việc, lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty đề nghị Chính phủ phân cấp mạnh mẽ hơn cho Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để khi doanh nghiệp cần thì Ủy ban có thể giải quyết ngay, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu không, việc ra quyết định chậm trễ trong sản xuất kinh doanh có thể dẫn đến hiệu quả kém.

Một số đơn vị nêu tình trạng cổ phần hóa công ty mẹ bị chậm, vì quy định yêu cầu rà soát toàn bộ giá trị đất cả ở một số đơn vị cấp dưới thay vì chỉ công ty mẹ. Trong khi đó, việc xác định giá trị quỹ đất, giấy tờ pháp lý của đất nằm rải rác ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và việc cần giúp Ủy ban này hoạt động hiệu quả hơn thời gian tới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra với Uỷ ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó, 2 việc cấp bách đó là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban. Việc thứ hai là kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Ủy ban.

Thủ tướng nhấn mạnh lại vai trò của kinh tế Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước mà trước hết là 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước với số vốn khổng lồ 2,3 triệu tỷ đồng.

Không chỉ lớn về vốn, các tập đoàn này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia các cân đối lớn của nền kinh tế như GDP, giải quyết lao động và nộp ngân sách Nhà nước.

"Chúng ta nói kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển, nhưng vai trò kinh tế Nhà nước nói chung, doanh nghiệp Nhà nước nói riêng có vị trí quan trọng đối với điều hành, quản lý đất nước, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Về hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được, trong đó có việc đã tiếp nhận 237 nhiệm vụ dở dang từ các Bộ và đã hoàn thành xử lý 97 nhiệm vụ.

Ủy ban cũng đã tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp tiếp nhận hoạt động ổn định và có bước phát triển. Trong đó, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng 12%, nộp ngân sách tăng 31,4%. Hầu hết các tập đoàn làm ăn có lãi, đời sống người lao động được cải thiện.

Tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”

Để tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, Thủ tướng cho biết, sắp tới Thủ tướng sẽ chủ trì một hội nghị về doanh nghiệp Nhà nước. Còn  trên cơ sở các vấn đề mà các tập đoàn, tổng công ty nêu ra tại hội nghị này, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật, trong xử lý các vấn đề cụ thể một cách năng động, quyết liệt.

Uỷ ban phải chủ động hơn, vì Ủy ban là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty. Ở các nước, các tập đoàn, tổng công ty đều có luật riêng, và hiện nay nước ta đang tiến hành xây dựng để tất cả các tập đoàn, tổng công ty đều có nghị định riêng.

Hiện nay mới có một số tập đoàn có nghị định, còn phần lớn chưa có. Do đó cần phải năng động, trách nhiệm của các cán bộ Ủy ban phải lớn hơn, để tạo điều kiện các tập đoàn, tổng công ty hoạt động tốt hơn, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng Nhà nước giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, khắc phục các bất cập kéo dài, gây ùn ứ, dở dang các nhiêm vụ như thời gian qua. Nhấn mạnh cần tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban phối hợp nhịp nhàng hơn với các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ.

Cùng với việc kiến nghị hoàn thiện, thực hiện tốt Nghị định số 131 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Thủ tướng yêu cầu Ủy ban tăng cường quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, bao gồm cả việc xây dựng mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, có biện pháp giám sát nội bộ hiệu quả, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Nhà nước.

Đối với các tập đoàn, Thủ tướng yêu cầu ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, dẫn dắt và tạo tính lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát tránh tình trạng thất thoát lãng phí trong cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Trước thực tế một số doanh nghiệp thiếu lãnh đạo, Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước phải nhanh chóng kiện toàn. 

Về những vướng mắc, chồng chéo giữa các nghị định, luật, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổng hợp, trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 7 để sửa các vướng mắc này, tháo gỡ ngay cho các doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm thay vì “khoán” hết cho Ủy ban quản lý vốn Nhà nước trong thẩm định một số dự án. 

Cùng với đó là kịp thời phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty ngay trong tháng 7/2019, vì đến nay đã quá muộn. Khẩn trương xử lý kịp thời các vấn đề mà tập đoàn và tổng công ty trình Ủy ban. Phê duyệt các đề án tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty theo thẩm quyền...

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã trực tiếp cho ý kiến về một số kiến nghị cụ thể của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, trong đó có vấn đề kiện toàn bộ máy, cán bộ, đồng thời cho phép Ủy ban làm việc với các bộ, ngành, tập đoàn để điều chuyển cán bộ có tài, có đức, có kinh nghiệm về Ủy làm việc, qua đó thúc đẩy nhiệm vụ của Ủy ban triển khai nhanh hơn./.

Theo Vũ Dũng/VOV.VN

  • Từ khóa

Giá dầu tăng vọt sau tin Israel tấn công trả đũa Iran

Theo Đài CNN, giá dầu vào tối 18-4 (giờ Mỹ) tăng gần 4% và thị trường chứng khoán tại Mỹ giảm mạnh khi truyền thông đưa tin Israel tấn công Iran.
14:40 - 19/04/2024
58 lượt xem

Giá vàng hôm nay 19.4.2024: Sụt giảm trước ngày đấu thầu vàng miếng

Giá vàng trong nước sụt giảm trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng.
09:30 - 19/04/2024
239 lượt xem

Vụ giám đốc Nhã Nam xin lỗi: Góc nhìn về xử lý khủng hoảng truyền thông

Một số chuyên gia truyền thông nêu ý kiến về lời xin lỗi được đăng tải trên trang mạng xã hội của Nhã Nam có 1 triệu lượt theo dõi với những góc nhìn liên...
08:05 - 19/04/2024
226 lượt xem

Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài

Việc xuất khẩu trực tiếp vào kênh phân phối nước ngoài không chỉ giúp nhà sản xuất có thêm lợi nhuận mà còn giúp hàng Việt Nam có cơ hội bằng chính thương...
11:08 - 18/04/2024
711 lượt xem

Điều gì đẩy giá xăng tăng vượt 25.000 đồng/lít?

Trong vòng một tháng, sau 5 phiên điều chỉnh, giá xăng tăng một mạch vượt 25.000 đồng/lít, lên mức cao nhất tính từ đầu năm.
08:28 - 18/04/2024
886 lượt xem