205
/
99533
Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm
nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-toi-pham
news

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm

Thứ 3, 27/10/2020 | 07:00:35
299 lượt xem

Hôm qua 26-10, Quốc hội (QH) tiến hành ngày làm việc thứ sáu theo hình thức trực tuyến.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Quang Hoàng 

Tình hình vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp

Thảo luận về báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng KSND tối cao; các công tác: phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; thi hành án; phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020, đa số đại biểu đánh giá: Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động, ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội, nhưng Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu của QH về công tác tư pháp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt kết quả tích cực; công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự tiếp tục được tăng cường; công tác giải quyết, xét xử các loại án đạt nhiều kết quả tốt, nhiều chỉ tiêu công tác tăng so với năm 2019. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN tiếp tục được tăng cường, tham nhũng được kiềm chế, từng bước được ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng lại diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng. Tình hình tham nhũng chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện, vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc. Trong khi đó, kết quả công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng; còn tình trạng tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng.

Ðại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) và nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình hình tội phạm lợi dụng mạng viễn thông, in-tơ-nét, mạng xã hội để hoạt động trái pháp luật, phát tán tin giả gây nhiễu loạn xã hội, gây mất an ninh, trật tự. Các đối tượng hoạt động có tính chất "xã hội đen", "tín dụng đen", cờ bạc, lừa đảo qua mạng ở một số địa phương trong thời gian dài và có dấu hiệu tiếp tay, bao che của một số cán bộ có thẩm quyền. Mặc dù có sự vào cuộc đấu tranh của lực lượng chức năng, nhưng vi phạm vẫn diễn ra khá tràn lan với phạm vi và quy mô lớn hơn, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp mà chưa được ngăn chặn hiệu quả. Nhiều ý kiến nêu rõ, việc kiên quyết xử lý các vụ án tham nhũng lớn vừa qua được nhân dân đồng tình, nhưng tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp ngày càng tinh vi mà chưa được ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, ảnh hưởng công tác phòng, chống tham nhũng của Ðảng và Nhà nước. Ðại biểu Phạm Văn Hòa (Ðồng Tháp) và nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, nhận diện rõ tình trạng "tham nhũng vặt", tham nhũng dưới hình thức "lợi ích nhóm", "sân sau", tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, làm cơ sở xây dựng các giải pháp PCTN hiệu quả hơn.

Làm tốt công tác phòng ngừa

Về nguyên nhân của hạn chế, nhiều đại biểu chỉ rõ, hệ thống các văn bản pháp luật chưa được hoàn thiện, chưa có hành lang pháp lý để điều chỉnh, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh trong cuộc sống. Hơn nữa, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ. Trong công tác PCTN, cơ chế kiểm soát quyền lực còn nhiều bất cập, một số đơn vị, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng. Năng lực, sức chiến đấu của một số cơ quan, tổ chức đơn vị còn hạn chế, chưa đủ sức để tự phát hiện tham nhũng. Công tác thanh tra, kiểm tra công vụ chưa được tiến hành thường xuyên, hiệu quả chưa cao, cho nên hiện tượng nhũng nhiễu trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp vẫn còn…

Ðể PCTN hiệu quả hơn, nhiều ý kiến đề nghị: Ngoài giải pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho công chức, viên chức, nhân dân thì việc tiếp tục xử lý những hành vi tham nhũng không có vùng cấm sẽ có tác động rất tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Chính phủ cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công. Ðẩy mạnh các dịch vụ mua sắm, thanh toán bằng giao dịch điện tử nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt, tăng cường công khai, minh bạch lĩnh vực mua sắm tài sản công, định giá đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước… Ðại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) và nhiều đại biểu đề nghị cần có các giải pháp hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật, nhằm ngăn ngừa nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách, pháp luật. Ðồng thời, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của người đứng đầu và công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị đối với việc chấp hành pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng ngay từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, cụ thể hóa tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị.

Ðối với công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) và nhiều ý kiến nhấn mạnh: Thực tiễn cho thấy, ở đâu cấp ủy và người đứng đầu quan tâm, chính quyền điều hành khoa học thì ở đó cả hệ thống chính trị và người dân hưởng ứng tích cực, xây dựng thành công phong trào vì an ninh Tổ quốc. Vì thế, bên cạnh thực hiện các giải pháp tổng thể như báo cáo của Chính phủ, các cấp ủy đảng, chính quyền cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị số 09 (ngày 1-12-2011) của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới. Lưu ý, việc xây dựng phong trào phải khơi dậy được tính tự giác, tự nguyện của mỗi người dân, lấy dân làm nòng cốt. Nội dung của phong trào cần được gắn kết, lồng ghép linh hoạt, sáng tạo với các nội dung phong trào, cuộc vận động khác ở địa phương, cơ sở nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa. Mặt khác, cần tích cực chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã, công an chính quy, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đủ mạnh, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… để làm điểm tựa nòng cốt giúp phong trào thật sự nhân rộng, đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Theo đó, chính quyền địa phương ở TP Hồ Chí Minh gồm có HÐND và UBND thành phố; chính quyền địa phương ở quận, phường là UBND quận, phường.

Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh. Có ý kiến tán thành trình QH ban hành Nghị quyết để thực hiện ngay từ ngày 1-7-2021 mà không qua thí điểm như Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị QH xem xét, ban hành Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm, bởi việc thực hiện thí điểm vẫn tạo cơ sở pháp lý để TP Hồ Chí Minh có thể triển khai tổ chức chính quyền đô thị ngay từ nhiệm kỳ sắp tới, đồng thời cũng thể hiện tính thận trọng khi xem xét, quyết định các vấn đề liên quan tổ chức bộ máy nhà nước.

Một số đại biểu cho rằng, hiện nay Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng đề án thành lập TP Thủ Ðức thuộc TP Hồ Chí Minh với mục tiêu tạo bước đột phá, làm hạt nhân, cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết vẫn chưa nêu được sự khác biệt rõ nét giữa TP Thủ Ðức so với các đơn vị hành chính cấp huyện. Do đó, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung những quy định mới, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội hơn cho chính quyền TP Thủ Ðức để có thể đáp ứng mục tiêu đặt ra.

Theo Nhân Dân

https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-phong-chong-toi-pham-622089/ 

  • Từ khóa

Bình Thuận: Đồng chí Nguyễn Hoài Anh giữ chức Bí thư Tỉnh ủy

Chiều 29/3, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị Tỉnh ủy (mở rộng) thực hiện công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Đến tham dự có đồng...
18:32 - 29/03/2024
106 lượt xem

Ban Bí thư chỉ định một Vụ trưởng tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh

Ông Trần Huy Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh nhiệm kỳ...
15:17 - 29/03/2024
178 lượt xem

Thủ tướng: Nỗ lực thực hiện '6 hơn' trong triển khai các dự án trọng điểm GTVT

Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải...
14:47 - 29/03/2024
202 lượt xem

Quốc hội Việt Nam nói tiếng nói tâm huyết, trách nhiệm của nhân dân

Cùng với việc nâng cao chất lượng các kỳ họp của Quốc hội, đổi mới, tăng cường hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của...
08:43 - 29/03/2024
335 lượt xem

6 cán bộ thuộc diện Thành ủy Hà Nội quản lý liên quan vụ cháy 56 người chết

Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, công an đã mời nhiều người liên quan lên làm việc, trong đó có 6 cán bộ thuộc diện Ban...
19:37 - 28/03/2024
668 lượt xem