205
/
80543
Lấp 'lỗ hổng' trong công tác cán bộ: Giám sát chặt, xử lý nghiêm
lap-lo-hong-trong-cong-tac-can-bo-giam-sat-chat-xu-ly-nghiem
news

Lấp 'lỗ hổng' trong công tác cán bộ: Giám sát chặt, xử lý nghiêm

Thứ 7, 12/10/2019 | 16:23:29
618 lượt xem

Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành cho thấy lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền được đề cập trong 1 văn bản mang tính pháp quy của Đảng.

Lấp 'lỗ hổng' công tác cán bộ: Rõ trách nhiệm, khó làm sai

Lấp 'lỗ hổng' công tác cán bộ: Trị bệnh ác tính 'Tư duy nhiệm kỳ'

Lấp 'lỗ hổng' trong công tác cán bộ: Loại bỏ nạn 'thân quen, cánh hẩu'

Lấp 'lỗ hổng' công tác cán bộ: Ngăn ngừa lạm dụng, thao túng quyền lực

Lap 'lo hong' trong cong tac can bo: Giam sat chat, xu ly nghiem hinh anh 1Lớp đào tạo tiếng dân tộc Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN)

Lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền được đề cập trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng, Quy định 205-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành, cũng là lần đầu một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che tiếp tay cho chạy chức chạy quyền.

Để Quy định được thực hiện hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó không thể thiếu vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan dân cử và nhân dân.

Ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực ngay từ cơ sở

Ngay sau khi được ban hành, Quy định nhận được sự ủng hộ, hoan nghênh, hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, bởi Quy định đã đi trúng vào một trong những vấn đề nhức nhối nhất của công tác cán bộ, tồn tại trong nhiều nhiệm kỳ vừa qua.

Theo Chánh Văn phòng Ban Tổ chức Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập Đề án kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền Hoàng Trọng Hưng, có nhiều cơ sở để Quy định được ban hành tại thời điểm này.

Trước hết, Quy định đã góp phần tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Nghị quyết Đại hội XII đã nêu yêu cầu về hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn chặn, đẩy lùi nạn chạy chức chạy quyền.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng có nội dung về nạn thao túng trong công tác cán bộ; việc chạy chức chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp…, việc sử dụng quyền lực được giao phục vụ cho lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Đồng thời, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cũng chú trọng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế quyền hạn và phải được ràng buộc bằng trách nhiệm.

Nếu được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong thực tiễn, Quy định 205-QĐ/TW sẽ trở thành công cụ sắc bén nhằm kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Phải nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế, pháp luật”; thiết lập cho được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền hạn đều cần được kiểm soát chặt chẽ, quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao thì trách nhiệm càng lớn, ngăn ngừa tận gốc sai phạm, khuyết điểm một cách căn cơ, bài bản bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong thời điểm các cấp ủy đang triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó có nội dung chuẩn bị nhân sự cho khóa mới, ông Hoàng Trọng Hưng cho rằng, việc ban hành Quy định 205-QĐ/TW trong thời điểm này càng cần thiết, góp phần lựa chọn người đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy khóa mới, không để những người chạy chức, chạy quyền lọt vào bộ máy.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá, từ Hội nghị Trung ương IV khóa XI đến nay, Đảng ta đã có bước tiến lớn trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của dân. Tuy nhiên, “tham nhũng, thoái hóa, biến chất vẫn thể hiện qua việc chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển… tức là vẫn chưa giảm hẳn được,” ông Túc khẳng định.

Hiện tại là thời điểm chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, do đó ông Nguyễn Túc cho rằng, Quy định này của Bộ Chính trị được ban hành nhằm ngăn chặn, cảnh báo, không để những phần tử thoái hóa, biến chất, những đối tượng tham nhũng, chạy chức chạy quyền lọt vào các cấp ủy đảng ngay từ cơ sở.

Với Quy định này, các tầng lớp nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tham gia vào quá trình giám sát, thực hiện Quy định, qua đó phát hiện, kiến nghị với Đảng xem xét xử lý những trường hợp thực hiện không đúng Quy định. “Phải quán triệt tinh thần của Bộ Chính trị, đừng hy vọng gì chạy chức, chạy quyền, không thể qua mắt được Đảng và nhân dân,” ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan dân cử

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thực hiện Quy định muốn có hiệu quả cần có sự kiểm tra, giám sát ở trong Đảng và của chính người dân trong công tác cán bộ. Đây là một trong những công việc then chốt đòi hỏi có sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan dân cử và người dân.

Điều 12 của Quy định với nội dung về “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền” đã nêu rõ: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định.”

Đồng thời, văn bản cũng quy định chi tiết: “Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền,” “Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.”

Những nội dung được đề cập rõ ràng, cụ thể trong Quy định 205-QĐ/TW đã cho thấy sự đề cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan dân cử và người dân trong công cuộc chung tay phòng chống tha hóa trong công tác cán bộ. Hiện nay, nhiều văn bản của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cũng đã đề cập việc phát huy vai trò của người dân trong công tác giám sát.

Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền muốn áp dụng vào thực tế có thể phải hướng dẫn, bổ sung thêm về công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị.

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Trọng Hưng, có thể khẳng định chắc chắn rằng Quy định sẽ không thể thực sự đi vào cuộc sống một cách hiệu quả nếu thiếu vắng sự tham gia của người dân.

Để thực sự huy động được sức dân trong vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, trước hết cần tập trung coi trọng tuyên truyền, giáo dục, quán triệt để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được những nội dung của Quy định 205-QĐ/TW, trong đó có việc đề cao lòng tự trọng, hình thành văn hóa môi trường lành mạnh trong công tác cán bộ, ý thức cá nhân nêu gương của người có thẩm quyền trách nhiệm cũng như của nhân sự.

Người có trách nhiệm nếu trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình phát hiện ra những việc liên quan đến nhân sự có quan hệ huyết thống, người thân… dễ ảnh hưởng xấu đến công việc phải báo cáo với cấp trên hoặc có sự kiểm tra giám sát để rút khỏi vị trí, trả lại sự khách quan. Những nhân sự tự thấy mình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì không nên ứng cử, không nhận đề cử…

Đặc biệt, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng, nếu người đứng đầu không đem vấn đề ra tập thể để bàn bạc thấu đáo mà đã tự mình quyết định sẽ rất dễ dẫn đến sai phạm.

Đây chính là khâu xây dựng Đảng về đạo đức gắn với việc nêu gương và đề cao lòng tự trọng, tạo môi trường lành mạnh, bền vững trong tổ chức Đảng nói chung và công tác cán bộ nói riêng. Nếu quy trình tổ chức nhân sự, chọn cán bộ được thực hiện một cách dân chủ, khách quan, công tâm, minh bạch và phát huy trí tuệ, tôn trọng ý kiến của tập thể thì người giỏi, người tài không cần “chạy” vẫn được suy tôn, bố trí.

Không dừng lại ở việc sai phạm, hậu quả của việc chạy chức, chạy quyền, thiếu kiểm soát quyền lực còn khiến nội bộ cơ quan, đơn vị mất đoàn kết, ảnh hưởng tới uy tín, làm suy giảm chất lượng, hiệu quả công việc.

Về vấn đề này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cũng cho rằng: “Trong công tác cán bộ, phải phát huy tập trung dân chủ, phải thảo luận nêu hết ý kiến của tập thể đó. Nhưng khi người đứng đầu lấy ý kiến cá nhân của mình áp đặt cho tập thể, tập thể đó có thể không chịu nhưng cũng không phải họ sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ, quyết liệt, người ta tích lũy lại đến một lúc nào đó “bùng nổ” sẽ dẫn đến mất đoàn kết nội bộ.”

Đồng nhất với quan điểm về tác hại nặng nề của nạn chạy chức, chạy quyền, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an đánh giá: “Những cá nhân không đủ năng lực mà lại có mục đích trục lợi cá nhân thì sao phục vụ được lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Nên hệ lụy đầu tiên có thể thấy là sự yếu kém của bộ máy công quyền, làm mất lòng tin của nhân dân.”

Theo ông, Quy định này “Nếu như làm tốt, chúng ta có thể ngăn chặn được cơ bản tệ chạy chức chạy quyền đã diễn ra trong nhiều nhiệm kỳ vừa rồi.”

Bên cạnh đó, cần tiếp tục cụ thể hóa những nguyên tắc tổ chức hoạt động, hoàn thiện các quy trình, văn bản quy định khác nhằm đảm bảo tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cơ quan, tổ chức, tránh sự chồng chéo trong thực hiện quy định về nội dung này.

Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần được nâng cao chất lượng; chú trọng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát cả định kỳ, đột xuất và theo chuyên đề, tăng cường và đề cao sự giám sát của người dân. Khai trừ Đảng, buộc thôi việc nếu cán bộ tham gia chạy chức, chạy quyền; cấm người thân quan chức can thiệp vào công tác cán bộ; cấm cung cấp, tiết lộ thông tin tài liệu hồ sơ cán bộ; xử lý hình sự nếu tiếp tay nhận hối lộ để chạy chức…

Bằng việc nhận diện 6 hành vi chạy chức chạy quyền và 8 hành vi bao che cho chạy chức chạy quyền làm cơ sở xử lý những trường hợp vi phạm, đáp ứng kịp với những bức xúc từ thực tiễn, nếu như được thực hiện nghiêm minh, Quy định sẽ góp phần ngăn chặn triệt để tình trạng thao túng công tác cán bộ.

Đảng nghiêm minh sẽ tạo được niềm tin, sự phấn khởi cho nhân dân, loại bỏ những tiêu cực, tham nhũng ra khỏi đời sống. Từ đó, người dân sẽ ngày càng ủng hộ, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Đây cũng là động lực để phát triển kinh tế-xã hội nói chung và làm cho công tác xây dựng Đảng cũng như công tác cán bộ ngày càng tốt hơn./.

Theo Hiền Hạnh (TTXVN/Vietnam+)

  • Từ khóa

Chủ tịch Quốc hội: 'Không hiểu tại sao Việt Nam nhiều loại thuốc thế'

Theo Chủ tịch Quốc hội, tình trạng quá nhiều loại dược phẩm có cùng chứa một hoạt chất được lưu hành dẫn tới bất cập nhất định trong hoạt động khám chữa...
17:00 - 16/04/2024
225 lượt xem

Tim Cook muốn phát triển sản phẩm công nghệ cao ở Việt Nam

Nhận định dư địa hợp tác của Apple tại Việt Nam còn rất lớn, ông Tim Cook mong muốn đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam, nhất là phát triển các sản...
15:40 - 16/04/2024
247 lượt xem

Chính phủ muốn trình Quốc hội cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm nửa năm

Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, trình Quốc hội xem xét cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm...
14:45 - 16/04/2024
278 lượt xem

Mở thêm hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Nút giao Thiệu Giang và nút giao Đồng Thắng trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, đoạn qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sẽ chính thức được mở, đưa vào khai...
15:00 - 16/04/2024
258 lượt xem

Cử tri quan tâm chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ được cử tri quan tâm, đánh giá cao. Cử tri kỳ vọng kết quả chuyến thăm giúp nâng...
09:20 - 16/04/2024
401 lượt xem