205
/
77302
Sáp nhập xã ở Thanh Hóa: Khó “xếp ghế” cho cán bộ dôi dư
sap-nhap-xa-o-thanh-hoa-kho-xep-ghe-cho-can-bo-doi-du
news

Sáp nhập xã ở Thanh Hóa: Khó “xếp ghế” cho cán bộ dôi dư

Thứ 2, 05/08/2019 | 08:39:03
2,527 lượt xem

Trong quá trình sáp nhập xã, việc bố trí, sắp xếp cán bộ là một trong những khâu khó nhất. Nhưng khó vẫn có thể có cách giải

Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập rất lớn trong số 63 tỉnh, thành của cả nước (chiếm hơn 10%). Nếu không làm sớm để ổn định tổ chức trước Đại hội Đảng bộ các cấp sẽ diễn ra vào tháng 3/2020 thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Giang Nam –Trưởng phòng xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ Thanh Hóa cho biết như vậy và khẳng định: quá trình triển khai thực hiện diễn ra hết sức khẩn trương. Đích thân Chủ tịch tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã. Trong quá trình triển khai, việc sắp xếp cán bộ là một trong những khâu khó nhất. Nhưng khó vẫn có thể có cách giải quyết.

Tạo sự đồng thuận trong nhân dân

Triển khai Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời thực hiện mục tiêu mở rộng các thị trấn theo hướng sáp nhập với đơn vị hành chính cấp xã liền kề theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, Thanh Hóa đã xây dựng đề án tổng thể sắp xếp 143 xã, phường, thị trấn và điều chỉnh địa giới hành chính 3 xã thành 67 xã, phường, thị trấn; thành lập 1 thị trấn mới trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn). Toàn tỉnh sẽ giảm từ 635 đơn vị xuống còn 559 đơn vị (giảm 76 đơn vị).

Ngày 10/7, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 186/NQ-HĐND về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Thanh Hóa. Về lộ trình, phấn đấu đến ngày 1/12/2019 sẽ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đơn vị hành chính mới, sớm ổn định tổ chức để tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã là câu chuyện không hề đơn giản. Song, với quyết tâm chính trị cao, tỉnh đã làm tốt công tác tư tưởng, vận động, truyên truyền đối với cán bộ và mọi tầng lớp nhân dân nên các phương án sáp nhập xã, mở rộng thị trấn đều được cử tri thống nhất cao với tỷ lệ trên 90 %.

“Thanh Hóa thực hiện sắp xếp 143 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 67 đơn vị. Toàn tỉnh giảm từ 635 đơn vị xuống còn 559 đơn vị hành chính cấp xã ”.

Triển khai xây dựng đề án, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương quan tâm đến 7 vấn đề cơ bản, trong đó lưu ý làm thật tốt công tác tư tưởng; xây dựng phương án đặt tên đơn vị hành chính mới đảm bảo tính lịch sử, tương đồng với tên gọi của các xã trong địa bàn; sử dụng hợp lý, hiệu quả công sở và cơ sở vật chất hiện có.

Sắp xếp lại trạm y tế theo hướng giảm đầu mối nhưng trước mắt vẫn sử dụng các trạm y tế cũ để tạo thuận lợi cho nhân dân trong khám, chữa bệnh. Đối với các trường học, tinh thần chung là giữ ổn định để không làm xáo trộn việc học tập của các cháu, đồng thời phải quy hoạch lại khu văn phòng, trường lớp để có hướng đầu tư đáp ứng yêu cầu quản lý và sinh hoạt của nhân dân.

Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí và chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương cấp mới, làm lại giấy tờ cho nhân dân các xã chịu tác động bởi sáp nhập đơn vị hành chính.

Cán bộ tâm tư, ai đi, ai ở?

Nằm giáp thành phố Thanh Hóa, Hoằng Hóa là huyện có 11 xã, thị trấn phải tiến hành sáp nhập và mở rộng quy mô với 220 cán bộ, đảng viên bị ảnh hưởng. Sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính, toàn huyện sẽ giảm 6 xã.

Theo ông Lê Sỹ Thắng – Phó trưởng phòng Nội vụ huyện Hoằng Hóa, phương án chung đã được huyện xây dựng chi tiết, công phu, phù hợp với thực tiễn địa phương. Việc chọn tên xã và trụ sở đơn vị hành chính mới được các địa phương bàn bạc thấu đáo, thống nhất cao. Trong 2-3 đơn vị hành chính sáp nhập sẽ giữ một tên xã để giảm bớt việc thay đổi địa chỉ liên lạc, giấy tờ tùy thân cho người dân...

Đơn cử, xã Hoằng Phúc và xã Hoằng Vinh nhập vào thị trấn Bút Sơn để mở rộng địa giới hành chính thị trấn Bút Sơn, trụ sở đơn vị hành chính sau khi sáp nhập đặt tại thị trấn Bút Sơn. Sáp nhập xã Hoằng Xuân và xã Hoằng Khánh, lấy tên xã mới là Hoằng Xuân, trụ sở đơn vị hành chính sau khi sáp nhập đặt tại xã Hoằng Khánh...

Tuy nhiên, điều làm ông Lê Sỹ Thắng băn khoăn, suy nghĩ nhiều nhất là công tác sắp xếp, bố trí công việc đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách.

Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Bút Sơn cho biết, các cán bộ là trưởng đoàn thể, hội đặc thù cũng tâm tư, lo lắng về tiêu chí lựa chọn, huyện sẽ làm thế nào để đảm bảo công khai?

Để giải quyết vấn đề này, một số giải pháp căn bản được huyện đưa ra để định hướng các địa phương căn cứ thực hiện như: luân chuyển cán bộ dôi dư đến đơn vị khác còn thiếu; chuyển cán bộ đoàn thể sang làm công chức chuyên môn ở xã nếu có bằng cấp phù hợp; vận động nghỉ hưu trước tuổi; vận động cán bộ nghỉ việc hưởng phụ cấp một lần.

Từ đầu năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy đã có văn bản gửi đến các đơn vị yêu cầu tạm dừng không bổ sung mới cán bộ, nơi nào thiếu do cán bộ nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác thì cấp ủy xã, thị trấn phân công cấp phó phụ trách. Vì vậy, sau khi thực hiện sáp nhập, những nơi dôi dư cán bộ sẽ được điều chuyển, bố trí đến các vị trí đang khuyết chức danh.

“Hiện nay, địa phương chưa nhận được hướng dẫn lựa chọn cán bộ dựa trên tiêu chí nào sau khi sáp nhập, vì việc này cũng rất khó. Về bằng cấp, trình độ chuyên môn, cán bộ ở thị trấn Bút Sơn đều đảm bảo, 16/20 người có bằng đại học, 19 người có bằng trung cấp chính trị. Còn về

“Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sáp nhập nhiều nhất trong số 63 tỉnh, thành của cả nước ”.

năng lực, bằng hoạt động thực tiễn, qua kết quả đánh giá phân loại cán bộ, công chức cuối năm, chúng tôi cũng có thể đánh giá sơ bộ được. Nhưng để đưa tiêu chí cứng vào văn bản thì hiện nay chưa có” – ông Lê Hồng Sơn nói.

Theo phân tích của người đứng đầu thị trấn Bút Sơn, đối với đội ngũ công chức chuyên môn, hay các chức danh Bí thư, Chủ tịch UBND, Phó Bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch UBND, việc điều động đi xã khác không đáng lo ngại vì việc này nằm trong đề án điều động, luân chuyển cán bộ. Bận tâm nhất là chức danh Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ, trưởng các đoàn thể hiện nay chưa nằm trong đề án điều động, luân chuyển nên sẽ gặp những khó khăn.

“Việc lựa chọn cán bộ phải đảm bảo công tâm, khách quan, không có chuyện chạy chọt để được ở lại vị trí này, vị trí kia hay đơn vị này, đơn vị khác. Huyện có quan điểm này rất rõ ràng và được quán triệt đến các xã, thị trấn sáp nhập. Chúng tôi cũng đã phân tích với anh em cán bộ, những trường hợp nào nên nghỉ hưu sớm, trường hợp nào nghỉ để hưởng trợ cấp 1 lần” – ông Lê Hồng Sơn cho biết.

Theo khảo sát, tổng số cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện Hoằng Hóa khoảng 120 người. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ xã hiện đang thiếu 57 người trên địa bàn toàn huyện, chưa tính đến số vận động về hưu trước tuổi, nên việc bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư ở địa phương này cũng không quá khó khăn.

Đối với thị trấn Bút Sơn, sau khi sáp nhập 2 xã Hoằng Vinh, Hoằng Phúc vào thị trấn sẽ nhập nguyên trạng toàn bộ cán bộ của 3 đơn vị lại, sau đó mới rà soát, chỉ định Ban Thường vụ, Ban chấp hành mới, tiếp đó đến cán bộ đoàn thể, cán bộ chuyên môn.

Về cán bộ chuyên môn, trước mắt nhập nguyên trạng toàn bộ cán bộ 3 xã, thị trấn, từ năm 2020-2025 phải thực hiện luân chuyển, điều chuyển đi đơn vị khác để đảm bảo đúng số lượng, cơ cấu cán bộ theo Nghị định 34 của Chính phủ (Sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố mới được ban hành).

Một góc xã Yên Trường - một trong những xã ở huyện Yên Định thuộc diện phải sắp xếp lại đơn vị hành chính.

Ở một địa bàn khác là Yên Định, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 30 km. Địa phương này có 4 xã thuộc diện phải sắp xếp lại, ngoài ra có 1 xã sáp nhập vào 1 thị trấn để mở rộng quy mô. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Yên Định Vũ Ngọc Thưởng cho biết, khi mới bắt tay vào triển khai thực hiện, một bộ phận cán bộ, công chức rất tâm tư, ai được ở lại, ai phải luân chuyển, nhất là người hoạt động không chuyên trách.

Xác định công tác nhân sự là việc khó, nếu làm không khéo dễ gây tâm tư, còn nếu nể nang thì dễ là phép cộng cơ học, không đáp ứng được yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nên ngay sau khi tiếp thu chủ trương từ tỉnh, huyện đã tích cực tuyên truyền, gặp gỡ, nắm bắt nguyện vọng của từng cán bộ để họ yên tâm làm việc. Đồng thời tiến hành rà soát chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm của từng cán bộ để lựa chọn những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là những cán bộ giữ chức danh đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Đến thời điểm này, huyện Yên Định đã có phương án về việc bố trí, sắp xếp công chức, viên chức sau khi sáp nhập với tinh thần cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, minh bạch, công bằng, không vì nể nang mà đưa người nhà, người thân, người được “gửi gắm” vào bộ máy.

Chủ động đi trước đón đầu

Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa, hơn 1300 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau khi sáp nhập. Theo giải pháp của tỉnh, số cán bộ, công chức trên sẽ bố trí theo các hướng: điều động, luân chuyển đến các đơn vị hành chính cấp xã còn thiếu; tiếp nhận, bố trí làm công chức cấp xã; tuyển dụng làm công chức cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; nghỉ hưu theo quy định; thực hiện tinh giản...

Nhằm động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ việc, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ, thời gian thực hiện từ 1/8/2019-31/12/2021.

Để giải bài toán “xếp ghế” lãnh đạo sau khi sáp nhập, ông Lại Thế Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, về việc bố trí Bí thư, Chủ tịch xã, tỉnh có 2 phương án sắp xếp. Cụ thể, sau khi sáp nhập mà không bố trí được chức vụ tương đương thì cho phép bố trí làm Chủ tịch HĐND chuyên trách ở xã mới đến tháng 4/2020 thì phải bố trí lại. Phương án thứ 2 là bố trí cán bộ làm Phó Bí thư Đảng ủy xã khác, đến trước đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025.

Đối với cán bộ cấp phó, trong trường hợp không bố trí được việc khác thì được giữ nguyên số lượng cấp phó của các xã sáp nhập gồm Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND.

Về chức danh Phó Bí thư Đảng ủy của 2-3 xã nhập vẫn còn đủ tuổi tái cử ở nhiệm kỳ sau, có năng lực, đủ điều kiện tiêu chuẩn mà không thể bố trí được ở xã mới thì có thể điều chuyển làm Phó Bí thư tăng thêm ở một xã khác đến tháng 4/2020, thời điểm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 là phải bố trí lại.

Đối với các ban đoàn thể, sẽ bố trí 1 người làm trưởng, 2 người còn lại đủ điều kiện sẽ vận động họ làm Phó đoàn thể nhưng được giữ nguyên lương như cấp trưởng và chờ đến Đại hội sẽ bố trí, sắp xếp lại.

“Nếu lý luận, không ai chịu “xuống” thì sẽ không thể sắp xếp được. Vì trong lúc này, cán bộ phải chấp nhận hy sinh trong sắp xếp bộ máy. Thanh Hóa quy định, cán bộ là cấp trưởng chịu “hy sinh” làm cấp phó thì vẫn giữ nguyên lương, phụ cấp, quyền lợi, chính sách như cấp trưởng cho đến hết nhiệm kỳ – Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh chủ trương này đã được 27 huyện trên toàn tỉnh đồng thuận, dự kiến đầu tháng 8 sẽ ban hành văn bản chính thức.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, để lựa chọn người đứng đầu và bố trí, sắp xếp cán bộ dôi dư không chỉ đối với các xã sáp nhập, ở Thanh Hóa phải trải qua một quy trình chặt chẽ, dân chủ, minh bạch để lựa chọn, bố trí con người đúng phẩm chất, năng lực và được tín nhiệm cao với một tinh thần khách quan, vô tư, công tâm.

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp cấp huyện, xã là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động. Đây là việc khó, nên trong quá trình triển khai thực hiện, tỉnh Thanh Hóa xác định phải thận trọng, khách quan, có lộ trình cụ thể, tránh tư tưởng chủ quan, nóng vội. Để thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư, từ 1 năm trước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm, tuyển dụng các chức danh lãnh đạo, quản lý, nên hiện nay cơ bản nhiều xã đang khuyết chức danh Chủ tịch, Bí thư. Do đó, việc bố trí, sắp xếp cán bộ vào những “ghế trống” sau khi sáp nhập xã ở sẽ rất thuận lợi.

Với sự chủ động đi trước đón đầu, nên một công tác có thể nói là nan giải, khó khăn nhất trong việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đã được tỉnh Thanh Hóa giải quyết một cách hợp lý, thuận lợi. Được biết, Thanh Hóa là một trong những địa phương có cách làm hay, được nhiều tỉnh lấy làm cơ sở để tham khảo, học theo./.

Theo Kim Anh/VOV.VN (Đồ họa: Quang Huy; Kỹ thuật: Đoan Đoan)

  • Từ khóa

Kỷ luật Ban cán sự Đảng tỉnh Vĩnh Phúc 2 nhiệm kỳ cùng loạt cán bộ

Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định nhiều tổ chức, cá nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc vi phạm nghiêm trọng quy định trong một số dự án đầu tư, trong đó có các dự án...
16:37 - 24/04/2024
515 lượt xem

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VneID

Để thúc đẩy chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục mở rộng các tiện ích trên ứng dụng VNeID, tập trung thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp...
14:25 - 24/04/2024
588 lượt xem

Thủ tướng thúc chuyển đổi số trong thu, chi dịch vụ kinh doanh ăn uống

Quán triệt nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước, Thủ tướng lưu ý đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi dịch vụ kinh...
11:00 - 24/04/2024
659 lượt xem

Thúc đẩy xử lý vấn đề Biển Đông và Myanmar

Tiếp Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn chiều 23.4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh VN dành nhiều tâm huyết cho sáng kiến này với mong muốn Diễn đàn...
07:35 - 24/04/2024
731 lượt xem

Sẽ phạt nguội xe vi phạm trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo từ ngày 26/4

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe vào ngày 26/4. Đơn vị vận hành sẽ phối hợp cơ quan chức năng phạt nguội các phương tiện vi phạm lỗi trên cao tốc.
16:49 - 23/04/2024
1,117 lượt xem