205
/
66678
Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian
to-chuc-bo-may-con-cong-kenh-nhieu-tang-nac-trung-gian
news

Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian

Thứ 6, 26/10/2018 | 13:41:51
838 lượt xem

Sáng 26/10, Quốc hội bước vào phiên thảo luận về kinh tế-xã hội đầu tiên tại hội trường. Phiên thảo luận được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước theo dõi. Đổi mới bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đề cập tại phiên thảo luận.

Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém

Thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp tổ chức bộ máy, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 56 về việc tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết 56, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và địa phương đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp với quyết tâm chính trị, thái độ quyết liệt và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Đã giảm 15 vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục. Bộ Công an đã giảm 6 tổng cục, 65 đơn vị cấp cục, giảm trên 86,3 nghìn biên chế, trong đó có 12,4 nghìn biên chế công chức.

Ở các địa phương, theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội đã và đang thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, nhất thể hóa, kiêm nhiệm một số chức danh, giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định, giảm đầu mối trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân cấp huyện, giảm đầu mối bên trong của các cơ quan, đơn vị, cơ cấu lại và làm giảm mạnh đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập, sáp nhập các thôn, khu dân cư có quy mô nhỏ, giảm biên chế và người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Với các giải pháp đó, đã và đang tạo ra những chuyển biến tích cực về bộ máy tổ chức trong hệ thống chính trị.

[Chương trình hành động kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền]

Tuy nhiên, đối chiếu với Nghị quyết 56 của Quốc hội, các Nghị quyết số 18 và 19 của Trung ương, các đại biểu cho rằng còn không ít bất cập, hạn chế, khó khăn. Phân tích cơ cấu chi ngân sách nhà nước chuyển dịch chưa thực sự mạnh mẽ, tỷ trọng chi thường xuyên vẫn còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi ngân sách, đại biểu Phạm Xuân Thăng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) dẫn số liệu năm 2017 là 64,68%, dự toán năm 2018 là 64,11%, trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 26,2%. Nguyên nhân chủ yếu làm tỷ lệ chi thường xuyên lớn, theo đại biểu, là do tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối. Số lượng người hưởng lương và phụ cấp từ nguồn ngân sách rất lớn, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và khu dân cư còn rất nhiều.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau 3 năm việc tinh giản biên chế còn thấp so với mục tiêu tối thiểu 10% vào năm 2021. Đến nay, số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ về tài chính và chi thường xuyên mới chiếm 0,2%. Tổ chức bộ máy bên trong của một số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân còn nhiều đầu mối, nhiều tầng nấc, chưa tinh gọn, hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Việc xã hội hóa, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập còn hạn chế. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn ở một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quyết liệt, đầu mối tổ chức bộ máy và cơ cấu tổ chức bên trong của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn làm chậm. Đáng chú ý, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy còn chậm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) đánh giá, việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thời gian qua đã đạt nhiều kết quả, nhưng diễn ra còn chậm, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, chưa tinh giản được những đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ năng lực yếu kém, ngân sách nhà nước chi cho lương vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Theo đại biểu, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, là lĩnh vực vừa phức tạp, vừa nhạy cảm, nhưng đã đến lúc phải nhận thức rõ tiền thuế của nhân dân không thể chịu nổi khi hàng năm chi thường xuyên chiếm hơn 60% ngân sách nhà nước, một phần không nhỏ cho quốc phòng an ninh. "Vậy còn đâu cho chi đầu tư phát triển," đại biểu băn khoăn.

Sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố

So sánh với một số nước láng giềng, có nước diện tích lớn hơn Việt Nam 28 lần và dân số lớn hơn 15 lần nhưng chỉ có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố; có nước được hình thành bởi gần 70.000 hòn đảo, dân số 120 triệu người cũng chỉ có 47 đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố và Việt Nam khi bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986 cũng chỉ có 44 đơn vị hành chính tỉnh, thành; đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tham mưu với Đảng, Quốc hội xem xét giải pháp sáp nhập địa giới hành chính cấp tỉnh, thành phố, đây là giải pháp hiệu quả nhất để tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy.

Còn theo đại biểu Cao Đình Thưởng (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ), do thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc sắp xếp tinh giản bộ máy tại các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn lúng túng, mỗi nơi một cách khác nhau. Trong khi đó, lại chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân ra diện rộng, nhiều băn khoăn vướng mắc chưa được tháo gỡ, việc giảm đầu mối và tinh giản biên chế bộ máy quản lý mang tính cơ học.

Dẫn ví dụ việc sáp nhập giữa cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, việc sáp nhập các phòng, ban, sở, ngành, một số tổ chức chính trị xã hội và nghề nghiệp… chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật, đại biểu Cao Đình Thưởng đề nghị Chính phủ có sự chỉ đạo việc thực hiện thống nhất đồng bộ trên phạm vi toàn quốc.

“Phải có tầm nhìn dài hạn để giải quyết những hậu quả sau này. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương được quyền chủ động trong việc sắp xếp đội ngũ, nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải vì công việc. Đồng thời, đẩy nhanh xã hội hóa đầu tư vào giáo dục, y tế ở những nơi, lĩnh vực có điều kiện,” đại biểu nói.

Nêu ý kiến về tiêu chuẩn đối với đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH 13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13, đại biểu Cao Đình Thưởng cho rằng, nếu theo tiêu chuẩn quy định thì hiện có rất ít xã đạt đủ tiêu chí, vì điều kiện kinh tế, văn hóa, dân số, vị trí địa lý, diện tích…. ở mỗi vùng rất khác nhau.

“Việc sáp nhập ở một số nơi sẽ thuận lợi nhưng ở rất nhiều nơi gặp khó khăn về xử lý chính sách cán bộ, về giấy tờ công dân, về cơ sở vật chất, phong tục, tập quán, văn hóa chứ không chỉ đơn thuần là dân số và diện tích. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần sớm có hướng dẫn cụ thể hơn đối với việc sáp nhập này,” đại biểu Cao Đình Thưởng nêu ý kiến.

Để tiếp tục triển khai hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy hành chính, đại biểu Phạm Xuân Thăng đề nghị đẩy mạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức để làm cơ sở pháp lý cho việc cải cách, các chủ trương về nhất thể hóa một số chức danh, nhất là việc hợp nhất các cơ quan Đảng với cơ quan nhà nước có chức năng và nhiệm vụ tương đồng.

Cùng với đó, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, trước hết là giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề, các cơ sở khám chữa bệnh, sự nghiệp khoa học kỹ thuật. Kiên quyết thực hiện lộ trình chuyển phí thành giá dịch vụ phù hợp với quy định của luật phí và lệ phí. Xây dựng định mức chi phí, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng của dịch vụ công. Cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn còn thiếu, chưa đồng bộ để đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Nhìn nhận việc đổi mới bộ máy, cải cách hành chính nhà nước là một công việc khó khăn, phức tạp, liên quan trực tiếp tới quyền lực, quyền lợi của nhiều tập thể và cá nhân có liên quan, không khỏi phát sinh tư tưởng, đại biểu đề nghị cần làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và xã hội, nhất là đối với những người có lợi ích liên quan.

Lãnh đạo cơ quan đơn vị tổ chức cần có quyết tâm chính trị cao trong việc thực hiện các biện pháp một cách sáng tạo và quyết liệt. Lấy kết quả thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ. Đồng thời cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước./. 

Theo TTXVN/Vietnam+

  • Từ khóa

Sẽ phạt nguội xe vi phạm trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo từ ngày 26/4

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe vào ngày 26/4. Đơn vị vận hành sẽ phối hợp cơ quan chức năng phạt nguội các phương tiện vi phạm lỗi trên cao tốc.
16:49 - 23/04/2024
159 lượt xem

Thủ tướng: 3 định hướng đột phá để ASEAN trở thành hình mẫu trong chuyển đổi số trên toàn cầu

Tại tọa đàm với doanh nghiệp các nước ASEAN – nơi có thể có hiệp định kinh tế số khu vực đầu tiên trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu 3 lĩnh vực...
16:15 - 23/04/2024
171 lượt xem

Hà Nội bắn pháo hoa 6 điểm kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô

Dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô 10/10 năm nay, Hà Nội tổ chức 6 điểm bắn pháo hoa với 7 trận địa tầm cao kết hợp tầm thấp.
16:38 - 23/04/2024
165 lượt xem

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ: Trạm dừng nghỉ cao tốc hợp lý giúp lái xe phục hồi thể chất, tinh thần

Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh tính đồng bộ trong đầu tư và lưu ý việc đầu tư hạ tầng, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc
14:38 - 23/04/2024
219 lượt xem

Cựu chiến binh, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ gặp mặt ở thủ đô Hà Nội

Gặp mặt các cựu chiến binh, thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhắn nhủ thế hệ trẻ phải hiểu...
14:31 - 23/04/2024
215 lượt xem