19
/
68704
Từ ‘giấc ngủ Đông’ đến ‘cơn sốt’ màn ảnh
tu-giac-ngu-dong-den-con-sot-man-anh
news

Từ ‘giấc ngủ Đông’ đến ‘cơn sốt’ màn ảnh

Thứ 2, 31/12/2018 | 08:57:23
899 lượt xem

Đề tài nhạy cảm, cảnh nóng, yếu tố bạo lực, nhãn 18+, remake (Việt hóa từ kịch bản nước ngoài)… là những từ khóa để nhận diện một số điểm nổi bật nhất trong bức tranh toàn cảnh phim truyền hình Việt Nam 2018.

Lần đầu tiên dán nhãn 18+

Nối tiếp thành công của năm 2017 (với hàng loạt tác phẩm gây “bão” như “Người phán xử,” “Sống chung với mẹ chồng,” “Thương nhớ ở ai”…), các nhà sản xuất phim truyền hình Việt 2018 tiếp trục trình làng nhiều bộ phim “hot,” thu hút sự chú ý của khán giả và nhận được phản hồi tích cực từ giới chuyên môn: “Quỳnh búp bê,” “Gạo nếp gạo tẻ,” “Cả một đời ân oán” hay “Ngày ấy mình đã yêu”…

“Quỳnh búp bê” cho thấy sự thay đổi khá táo bạo trong việc đổi mới đề tài và cách thức tiếp cận vấn đề. Nếu như trước đó, phim truyền hình thường quẩn quanh trong những đề tài quen thuộc (gia đình, tuổi trẻ, tình yêu…) thì lần này, đạo diễn Mai Hồng Phong và êkíp đã bước ra khỏi vùng an toàn, thực hiện một bộ phim khá ấn tượng về đề tài mại dâm, buôn bán phụ nữ và những góc khuất trong cuộc sống của những cô gái “làng chơi” thông qua câu chuyện về cuộc đời, số phận của ba nhân vật: Quỳnh (Phương Oanh), Lan (Thanh Hương) và My (Thu Quỳnh).

Để tạo nên sự khác biệt so với những bộ phim cùng đề tài, đạo diễn Lê Hồng Phong đã chọn cách nhìn trực diện với lối thể hiện gai góc. Êkíp làm phim không né tránh những chi tiết, yếu tố nhạy cảm.

Thay vào đó, phim có nhiều “cảnh nóng” và bạo lực, trốn chạy, rượt đuổi để lột tả chân thực cuộc sống bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần của những cô gái sống trong “động quỷ” cùng mưu đồ thâm độc của những kẻ kiếm tiền trên thân xác phụ nữ.

“Quỳnh búp bê” cũng là bộ phim đầu tiên dán nhãn 18+ (cảnh báo phim không phù hợp với đối tượng khán giả dưới 18 tuổi).

Sau khi kết thúc, “Quỳnh búp bê” đã mang đến cho người xem cái nhìn khách quan, đa chiều hơn về cuộc sống ê chề của những cô gái mại dâm. Trong số họ, có những người vì lòng tham mà sa ngã nhưng cũng có không ít người bị hoàn cảnh hay chính người thân đẩy vào con đường, hoàn cảnh nghiệt ngã này.

Bên cạnh đó, nghệ sỹ ưu tú-đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình cho biết, “Quỳnh búp bê” cũng là bộ phim đầu tiên dán nhãn 18+ (cảnh báo phim không phù hợp với đối tượng khán giả dưới 18 tuổi). Cụ thể, từ tập 5, trước khi nội dung phim được trình chiếu, nhà đài đã đưa ra dòng chữ cảnh báo: “Trong phim có một số nội dung, hình ảnh không phù hợp với khán giả dưới 18 tuổi, khuyến cáo nên có sự giám sát của phụ huynh khi xem.”

“Để làm được một bộ phim gai góc như vậy cần một đạo diễn rất liều và một dàn diễn viên rất ‘điên.’ Phim có những phân cảnh vô cùng ám ảnh như cảnh nhân vật Lan bị hiếp dâm tập thể hay hóa điên sau khi cuộc sống rơi vào tận cùng bi kịch. Những cảnh như vậy thực sự chạm tới cảm xúc của người xem,” nghệ sỹ ưu tú Đỗ Thanh Hải cho biết.

Dấu ấn văn hóa Việt

Nhiều bộ phim thu hút sự chú ý của khán giả trong năm 2018 là phim “remake” (phim làm lại từ kịch bản của nước ngoài): “Gạo nếp gạo tẻ” - phiên bản Việt của bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Gia tộc họ Wang,” “Ngày ấy mình đã yêu” - bản Việt hóa phim “Tình yêu tìm thấy” của Hàn Quốc và “Cả một đời ân oán” - làm lại từ “Cô dâu bạc triệu” của Đài Loan (Trung Quốc)…

Việc làm lại những bộ phim truyền hình nước ngoài không phải là câu chuyện mới mẻ ở Việt Nam. Việc Việt hóa một kịch bản “ăn khách” của nước ngoài luôn là “con dao hai lưỡi,” thách thức không nhỏ với nhà sản xuất. Sự thành công của phiên bản gốc tạo điều kiện thuận lợi cho việc quảng bá bản “remake.” Tuy nhiên, ở góc độ khác, điều đó cũng rất dễ khiến người xem đặt ra những kỳ vọng đối với bản Việt hóa và những so sánh khắt khe.

Tuy nhiên, với những bộ phim kể trên, các nhà sản xuất Việt Nam đã thoát được “cái bóng” của nguyên gốc để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn, điểm nhấn riêng. Một trong những chìa khóa đưa tới sự thành công này là các biên kịch, đạo diễn đã có nhiều thay đổi, chỉnh sửa về nội dung cho phù hợp với bối cảnh và tâm lý tiếp nhận của khán giả Việt Nam.

Đặc biệt, khi êkíp sản xuất khéo léo đan lồng vào phim những chi tiết, câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt thì bộ phim sẽ trở nên gần gũi, dễ tiếp cận khán giả. Đây cũng là một cách làm hiệu quả để quảng bá văn hóa. Điều này có thể thấy rõ qua “Gạo nếp gạo tẻ.”

Cùng với việc xây dựng lời thoại, tính cách nhân vật, kịch bản “Gạo nếp, gạo tẻ” “ghi điểm” mạnh với khán giả khi khéo léo lồng ghép nhiều chi tiết về ẩm thực, truyền thống văn hóa Việt như: sự xuất hiện của những món ăn đậm chất Việt như cà pháo, mắm tôm, sự thành kính trong việc chuẩn bị mâm cỗ trong ngày giỗ của người đã khuất, những nghi thức của một đám cưới được tổ chức theo phong cách truyền thống…

Các nhà sản xuất Việt Nam đã vượt thoát được “cái bóng” của nguyên gốc để tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn, điểm nhấn riêng.

“Nếu làm phim cho người Việt mà chỉ toàn thấy hình ảnh của kim chi, hanbok thì thực sự không ổn! Thực tế, việc gia công kịch bản có sẵn của nước ngoài thành một kịch bản để làm phim cho người Việt không hề đơn giản. Kịch bản có sẵn chỉ cho là cốt truyện để nhà biên kịch dựa vào. Từ đó, đội ngũ biên kịch phải phát triển, viết và sáng tạo thành những câu chuyện, tình huống cụ thể phù hợp với đời sống, văn hóa Việt,” nhà biên kịch kiêm đạo diễn Hoàng Anh bày tỏ.

Nữ biên kịch kể, quá trình hoàn thiện kịch bản chi tiết của “Gạo nếp gạo tẻ” kéo dài khoảng một năm với không ít lần chỉnh sửa.

Dù không đan cài nhiều chi tiết về ẩm thực, truyền thống văn hóa Việt như “Gạo nếp gạo tẻ” nhưng “Ngày ấy mình đã yêu,” “Cả một đời ân oán” vẫn được khán giả đánh giá cao nhờ sự đầu tư kỹ lưỡng cho bối cảnh. Nhiều khung cảnh thiên nhiên đẹp của các vùng miền trong cả nước (Phú Yên, Quảng Ninh…) xuất hiện ấn tượng trong những khuôn hình.

Ngoài ra, nhiều bộ phim thuần Việt (như “Mỹ nhân Sài Thành,” “Mộng phù hoa”…) cũng chinh phục được khán giả nhờ việc khai thác sâu những câu chuyện lịch sử cùng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam.

“Nếu làm phim cho người Việt mà chỉ toàn thấy hình ảnh của kim chi, hanbok thì thực sự không ổn! “

“Mỹ nhân Sài Thành” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những năm 1950s. Thông qua số phận, cuộc đời sóng gió của ba người đẹp (Bạch Trà, Hồng Trà, Thanh Trà) và những mối quan hệ xung quanh, bộ phim tái hiện cuộc sống ở “hòn ngọc Viễn Đông” một thời với nhiều “góc khuất” ẩn sau vẻ ngoài hoa lệ. Ở đó có sự đối lập giữa cảnh tượng phù hoa, đô hội với cảnh bần hàn, nghèo khổ; giữ lối sống xa hoa, trụy lạc của giới công tử với cuộc sống bần hàn, cơ cực của những người lao động…

Có chủ đề tương tự, “Mộng phù hoa” lấy bối cảnh Sài Gòn và các tỉnh miền Tây trong những năm 1930-1940, Từ câu chuyện về thân phận của những người phụ nữ xưa ở các đô thị miền Nam, bộ phim làm nổi bật sự đối lập trong cuộc sống của các tầng lớp trong xã hội xưa.

“Những bộ phim với bối cảnh xưa cũ, khai thác yếu tố lịch sử vẫn luôn có sức hút riêng với khán giả. Xem phim cũng là một trong những cách giúp khán giả tìm hiểu, giải mã những câu chuyện của quá khứ. Tuy nhiên, dòng phim này vẫn chiếm tỷ lệ khá nhỏ bởi đòi hỏi những kịch bản chắc tay, sự đầu tư kinh phí lớn (đặc biệt là cho việc phục dựng bối cảnh, trang phục),” đại diện Hãng phim Khang Việt bày tỏ.

Xa rồi thời “hữu xạ tự nhiên hương”

Sự thành công của “Gạo nếp gạo tẻ,” “Mộng phù hoa”… cũng cho thấy sự “bừng tỉnh” của phim truyền hình miền Nam sau một thời gian dài “ngủ Đông.” Thậm chí, “Gạo nếp gạo tẻ” đã tạo thành cơn sốt trong cộng đồng mạng. Mỗi tập phim “Gạo nếp, gạo tẻ” trên Youtube có hơn năm triệu lượt xem. Riêng tập đầu tiên đã có hơn 10 triệu lượt xem (chỉ trong khoảng một tuần sau khi đăng tải).

Theo đạo diễn Phương Điền, một trong những lý do quan trọng hàng đầu đưa lại thành công của phim là chiến lược quảng bá của nhà sản xuất. Họ đã tổ chức những buổi trò chuyện, giới thiệu phim và các chương trình giao lưu giữa diễn viên với khán giả tại nhiều không gian, địa điểm khác nhau (các sân khấu lớn, trường quay hay thậm chí là các khu chợ) để phù hợp với thời gian, lịch trình của nhiều đối tượng khán giả khác nhau.

Hơn nữa, nắm bắt xu hướng hiện nay (khán giả xem phim trên các nền tảng trực tuyến), ngay sau khi phát sóng trên truyền hình, nhà sản xuất nhanh chóng đưa các tập phim lên Youtube. Nhờ vậy, phim thu hút được số lượng người xem lớn và tạo được sự tương tác tốt. “Câu chuyện ‘hữu xạ tự nhiên hương’ đã không còn phù hợp giữa bối cảnh tràn ngập thông tin, loại hình giải trí như hiện nay,” đạo diễn Phương Điền chia sẻ.

“Câu chuyện ‘hữu xạ tự nhiên hương’ đã không còn phù hợp giữa bối cảnh tràn ngập thông tin, loại hình giải trí như hiện nay”

Tuy nhiên, để tạo được hiệu ứng tích cực, việc quảng bá phải đi kèm với chất lượng nội dung phim. Trong trường hợp ngược lại, nếu hai yếu tố trên không song hành thì khán giả sẽ dần mất niềm tin vào phim Việt. Trên thực tế, có không ít bộ phim được quảng bá khá rầm rộ nhưng cuối cùng lại khiến người xem không khỏi thất vọng: “Tình khúc Bạch Dương,” “Hậu duệ Mặt Trời” (phiên bản Việt)…

Có thể thấy, ở những bộ phim kể trên, sự về sự đầu tư lớn bối cảnh, trang phục… không đủ để “che khuất” những hạn chế về diễn xuất của dàn diễn viên. Ở “Tình khúc Bạch Dương,” Thanh Mai (vai Quyên) và Lê Vũ Long (vai Quang) diễn không có chiều sâu, gượng gạo, đặc biệt là trong những cảnh thể hiện nội tâm nhân vật.

“Thanh Mai đã để váy áo lấn lướt diễn xuất, còn Lê Vũ Long xuất hiện trên phim với đôi mắt vô hồn và những câu thoại được thể hiện không có cảm xúc. Càng xem những tập cuối, tôi lại càng thất vọng; trong khi trước đó, qua những khung hình, trailer, teaser giới thiệu nội dung mà đơn vị sản xuất tung ra, tôi đã rất kỳ vọng vào sự trở lại màn ảnh của hai nghệ sỹ này (sau một thời gian dài vắng bóng) nói riêng và sự ra mắt của bộ phim này,” chị Thu Hương (ngõ 464 Âu Cơ, Hà Nội) chia sẻ.

Từ thực tế phim truyền hình Việt hiện nay, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, để đi đường dài, chất lượng nội dung vẫn phải là yếu tố quan trọng cần đặt lên hàng đầu.

Tương tự, sự nhạt nhòa của cặp đôi Khả Ngân-Song Luân (vai bác sỹ Hoài Phương và Đại úy Duy Kiên) trong “Hậu duệ Mặt Trời” (phiên bản Việt) cũng khiến không ít khán giả thất vọng dù trước đó, phim được giới thiệu khá rầm rộ. Trước đó, đại diện Công ty BHD (đơn vị sản xuất bản Việt hóa “bom tấn” của truyền hình) từng khẳng định: “Hậu duệ Mặt Trời là một bộ phim truyền cảm hứng về những người trẻ sống chiến đấu vì lý tưởng và tình yêu quê hương đất nước. Theo đó, phiên bản Việt của bộ phim này cũng sẽ là một bộ phim đề cao tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam.” Dẫu vậy, thực tế, khi ra mắt, phim không tập trung làm nổi bật được chủ đề trên.

Từ thực tế phim truyền hình Việt hiện nay, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho rằng, để đi đường dài, chất lượng nội dung vẫn phải là yếu tố quan trọng cần đặt lên hàng đầu. “Để phim có chất lượng tốt, chúng ta cần đầu tư bài bản, đầy đủ mọi mặt: biên kịch chắc tay, đạo diễn chắc nghề, diễn viên tài năng, thiết bị kỹ thuật tốt, bối cảnh phù hợp và trang phục ấn tượng… Sau khi có chất lượng nội dung tốt, nhà sản xuất sẽ tính đến việc quảng bá sao cho hiệu quả,” đạo diễn nói.

Ở phương diện khác, vị đạo diễn này cũng cho rằng, để việc làm phim truyền hình đảm bảo chất lượng đường dài, các đơn vị sản xuất cần có chiến lược bài bản.

Xét trên tổng thể, phim truyền hình Việt hiện nay thiên về việc đáp ứng nhu cầu giải trí của khán giả. “Để nâng cao chất lượng phim truyền hình, chúng ta cần kế hoạch tổng thể, dài hơi. Nếu không có sự hoạch định dài hạn với những yêu cầu, mục tiêu cụ thể(tỷ lệ phim chính luận, tỷ lệ phim giải trí, phân tích sự thay đổi trong thị hiếu của khán giả, những biến động của thị trường, cập nhật xu hướng của thế giới…), phim sẽ rất dễ trở thành sự minh họa giản đơn những câu chuyện đời sống hoặc cứ quẩn quanh trong những đề tài quen thuộc, không tạo được sự bứt phá,” đạo diễn Hữu Phần bày tỏ quan điểm./.

Theo Phương Mai (TTXVN/Vietnam+)

  • Từ khóa

Khánh thành tượng đài Lênin ở trung tâm thành phố Vinh

Công trình tượng đài Lênin tại thành phố Vinh làm bằng đồng, nặng 4,5 tấn là biểu hiện của tình hữu nghị hai nước Việt - Nga.
18:33 - 16/04/2024
170 lượt xem

Chuẩn bị Lễ hội sông nước TP.HCM 2024

Loạt lễ hội, sự kiện diễn ra trong mùa hè 2024 tại TP.HCM hứa hẹn góp phần định vị điểm đến TP.HCM là thành phố của sự kiện khu vực.
14:30 - 16/04/2024
258 lượt xem

Ba điểm đến ở Việt Nam vào top 100 thành phố tốt nhất thế giới để đi bộ

Danh sách 100 thành phố tốt nhất trên thế giới để khám phá bằng cách đi bộ đã được công bố qua một khảo sát được tiến hành 1 năm từ danh sách 800 thành...
11:39 - 16/04/2024
316 lượt xem

Triển lãm Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định đột ngột kết thúc sớm hơn 1 tháng rưỡi

Triển lãm "Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định" đã đột ngột kết thúc vào ngày 12-4 thay vì diễn ra từ ngày 5-4 đến 30-6 như kế hoạch ban đầu. Trước...
08:09 - 16/04/2024
414 lượt xem

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 – 2024: Nhiều hoạt động đặc sắc

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là gương mặt đầu tiên được công bố trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024 – 2025.
07:45 - 16/04/2024
444 lượt xem