190
/
71887
Bé 18 tháng tuổi mắt trợn ngược, toàn thân tím tái vì bù nước không đúng cách khi bị tiêu chảy
be-18-thang-tuoi-mat-tron-nguoc-toan-than-tim-tai-vi-bu-nuoc-khong-dung-cach-khi-bi-tieu-chay
news

Bé 18 tháng tuổi mắt trợn ngược, toàn thân tím tái vì bù nước không đúng cách khi bị tiêu chảy

Chủ nhật, 31/03/2019 | 07:03:04
1,166 lượt xem

Bệnh nhi H.K.N (18 tháng tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt. Trước đó cháu lên cơn co giật, mắt trợn ngược, toàn thân tím tái và gần như mất ý thức. Khi vào viện, bé thêm 4 lần co giật liên tiếp vì tình trạng mất nước trầm trọng.

Bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhi được đưa đến khoa trưa ngày 24/3/2019 trong tình trạng mất nước nặng: môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt. Trước đó cháu lên cơn co giật nặng, mắt trợn ngược, toàn thân tím tái và gần như mất ý thức.

oresol.jpeg

Tình trạng mất nước của trẻ rất trầm trọng, đến các bác sĩ cũng phải giật mình vì trẻ ở ngay Hà Nội, với tình trạng rối loạn tiêu hoá, đi ngoài lại có thể gây mất nước trầm trọng đến vậy do trẻ không được bù nước đúng cách.

Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm khuẩn tiêu hoá dẫn đến mất nước cấp, rối loạn điện giải gây co giật. Từ lúc nhập viện cháu bé đã có thêm 4 lần co giật khoảng 30 giây - 1phút/ lần và các bác sĩ đã phải sử dụng thuốc để cắt cơn giật. 

Bố bệnh nhi cho biết, trước đó 3 ngày, bé bị tiêu chảy ăn uống kém và mệt nhiều, gia đình đưa cháu đến khám tại Khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai và được bác sĩ kê đơn, trong đó có thuốc Oresol. Tuy nhiên khi ra hiệu thuốc mua, người bán hàng nói đã hết thuốc Oresol và đưa thực phẩm chức năng dạng Oresol đã pha sẵn.

Bản thân bố bệnh nhân cũng thắc mắc, không hiểu tại sao đã cho con uống Oresol nhưng vẫn mất nước? 

Sau khi suy xét kĩ, anh mới nhận ra loại Oresol mua cho con ở hiệu thuốc thực tế là thực phẩm bổ sung với thành phần và hàm lượng không đủ so với loại Oresol được kê trong đơn.

BS Tuấn Anh cho biết, Oresol là một loại thuốc. Khi trẻ bị tiêu chảy, tình trạng mất nước xảy ra, nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây rối loạn các chức năng của cơ thể, đe dọa tính mạng. Oresol khi được pha đúng, uống đúng sẽ bù lại lượng nước và điện giải đã mất, giúp trẻ phục hồi. Nếu pha quá loãng hoặc quá đặc sẽ làm thay đổi áp lực thẩm thấu của Oresol khiến ruột không thể hấp thu được, không những không có tác dụng bù mất nước mà còn khiến trẻ đi ngoài nhiều hơn và dẫn đến các bệnh nguy hiểm khác.

Trong khi đó, dạng thực phẩm chức năng thay thế Oresol không phải là thuốc, không được kiểm soát kỹ về thành phần, liều lượng dẫn đến việc uống nhưng không đủ bù nước và điện giải rất nguy hiểm.

Chưa kể, có những dạng thực phẩm chức năng thay thế Oresol được đóng dạng ống 10ml, sau mỗi lần trẻ đi ngoài, bố mẹ cho con uống 1 ống vẫn nghĩ yên tâm vì đã đủ nước.

Nhưng trên thực tế, một em bé đang bị đi ngoài ồ ạt, bổ sung oresol phải hàng trăm ml sau mỗi lần đi ngoài. Nếu chỉ uống 10ml/lần thì sẽ cực kỳ nguy hiểm vì mất nước.

"Một em bé đi ngoài, uống 10ml oresol giải quyết vấn đề gì? Nó không mang ý nghĩa gì trong việc bù nước sau tiêu chảy",  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) khẳng định.

Theo PGS Dũng, Oresol là phát minh của thế giới cứu trẻ con, người lớn bị tiêu chảy bởi nó bù nước, điện giải khi bệnh nhân mất nước vì đi ngoài.

Vì thế, người ta sản xuất với nhiều hàm lượng khác nhau, từ gói 1 lít, gói 500ml và gói pha với 200ml để phù hợp với trẻ nhỏ.

Mỗi lần trẻ hay người lớn đi ngoài phải uống hàng trăm ml Oresol để bù nước, điện giải bị mất đi.

“Thế mà tôi nhìn thấy ống Oresol chỉ 10ml. Một cháu đi tiêu chảy ào ào, nếu uống 1 ống oresol 10ml thì thử hỏi mất nước sẽ nghiêm trọng như thế nào, nguy hiểm ra sao?”, PGS Dũng nói.

PGS Dũng chia sẻ thêm, người dân rất dễ nhầm lẫn, cứ nghĩ oresol uống một ống này là đủ sẽ rất nguy hiểm bởi bệnh nhân tiêu chảy, mất nước nặng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong.

PGS Dũng khuyến cáo khi trẻ bị tiêu chảy, bổ sung nước bằng Oresol là quan trọng nhất. Cha mẹ cần pha đúng tỉ lệ hướng dẫn của nhà sản xuất, cho trẻ uống thay nước lọc thông thường, uống sau mỗi lần đi ngoài, uống rải rác tiếp đó để bù nước, điện giải.

"Cần tuyệt đối tuân thủ theo liều lượng quy định (pha chính xác lượng nước, không ước lượng, áng chừng). Khi pha dung dịch với nước phải uống hết trong vòng 24h, sau 24h nên bỏ đi và pha gói mới. Tuyệt đối không bảo quan trong tủ lạnh để cho trẻ uống dần, không chia nhỏ gói thuốc để sử dụng. Không đun sôi dung dịch đã pha, tuyệt đối không cho thêm đường, không pha với sữa, nước trái cây, nước ngọt….", BS Tuấn Anh khuyến cáo.

Phụ huynh tuyệt đối không dùng thực phẩm chức năng dạng Oresol để thay thế cho thuốc Oresol. Đặc biệt, khi thấy con có biểu hiện bất thường như uống không đủ liều Oresol, mệt mỏi, ngủ li bì khó đánh thức, môi khô, mắt trũng, khóc không nước mắt phải nhanh chóng đưa trẻ đến viện vì đó là dấu hiệu mất nước nguy hiểm.

Theo Hồng Hải/Dân trí

  • Từ khóa

4 tách cà phê hoặc 2 tách trà, giảm mạnh nguy cơ đột quỵ, ung thư

Một nghiên cứu theo dõi gần 2.500 người gần 70 tuổi trong 11 năm cho thấy cà phê và trà có thể là "bí quyết trường sinh".
16:45 - 28/03/2024
209 lượt xem

Từ vụ nữ điều dưỡng cứu du khách ngưng tim ở Đà Nẵng: Đừng bỏ quên dạy sơ cấp cứu

Từ vụ nữ điều dưỡng cứu du khách ngưng tim ở Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định mỗi người cần trang bị kỹ năng sơ cấp cứu để dùng trong trường hợp cấp...
14:40 - 28/03/2024
224 lượt xem

Hơn 45.000 người Việt vào viện vì giun từ "thú cưng" chui vào da, gan, não

Khi thâm nhập vào cơ thể, trứng giun đũa chó mèo chỉ phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người.
10:40 - 28/03/2024
567 lượt xem

Nhật Bản: Thêm một người tử vong sau khi sử dụng thực phẩm chức năng của Hãng Kobayashi

Theo Hãng tin Kyodo, Bộ Y tế Nhật Bản và Hãng dược phẩm Kobayashi ngày 26-3 thông báo đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong và hơn 100 người phải nhập viện sau...
07:43 - 28/03/2024
426 lượt xem

Cảnh báo một số hóa chất gia dụng có thể gây nguy hiểm cho não bộ

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trường Y thuộc Đại học Case Western Reserve (Mỹ) đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về mối nguy hiểm mà một số hóa chất gia dụng...
15:05 - 27/03/2024
816 lượt xem