19
/
71691
Cuộc đời ít biết về nghệ sĩ Hòa Tâm, người vào vai A Sử trong 'Vợ chồng A Phủ'
cuoc-doi-it-biet-ve-nghe-si-hoa-tam-nguoi-vao-vai-a-su-trong-vo-chong-a-phu
news

Cuộc đời ít biết về nghệ sĩ Hòa Tâm, người vào vai A Sử trong 'Vợ chồng A Phủ'

Thứ 2, 25/03/2019 | 13:19:00
1,283 lượt xem

Thời phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa còn thống soái, những nghệ sĩ “phải” sắm vai phản diện đều… thiệt thòi. Hầu như thế.

Nghệ sĩ Hòa Tâm (phải) trong vai mật thám Công và Thanh Tú trong vai nữ cán bộ Việt Minh, phim Sao tháng tám, 1976

Diễn hay mà… tay trắng

Nghệ sĩ Hòa Tâm của điện ảnh là người thiệt thòi như vậy. Một bộ phim phải có nhân vật phản diện thì mới hoàn chỉnh bức tranh tương phản ta thắng địch thua, nhưng khi trao huy chương huy hiệu bằng khen thì chỉ trao cho người đóng vai chính diện. Người đóng vai phản diện không bao giờ được giải thưởng, dù nhân vật của họ có đầy cá tính sắc sảo thế nào, thậm chí lấn át cả nhân vật chính diện có khi lại là một cái “tội”.

Cuộc đời ít biết về nghệ sĩ Hòa Tâm, người vào vai A Sử trong 'Vợ chồng A Phủ' - ảnh 1

Nghệ sĩ Hòa Tâm vai A Sử, phim Vợ chồng A Phủ, 1961

Từ hồi còn bé tí, tôi đã thích một số vai của nghệ sĩ Hòa Tâm. Có khi cả bộ phim chẳng nhớ, chỉ nhớ mỗi trường đoạn ông xuất hiện. Chẳng hạn cái phim bà con nô nức đi xem năm 1969, Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Trong một cảnh kéo dài năm phút, trường đoạn thế là dài, Hòa Tâm đóng vai phái viên mật từ Sài Gòn mò ra Hà Nội để kiểm tra mạng lưới gián điệp cài cắm ở đây. Phái viên vừa tìm hiểu tình hình vừa chỉ đạo, suốt buổi chỉ cầm cái đùi gà to đùng mà cắn xé. Tài nghệ cắn xé thì phải thuộc hàng kỹ năng có thâm niên của nghệ sĩ. Đấy, thế mà nhớ, trong khi có thể đã quên một số nhân vật khác. Nữa, trong phim Sao tháng tám, vẫn có thể quên nhiều nhân vật, nhưng khó quên mật thám Công lật đà lật đật, vụng về đến mức để xổng nữ cán bộ Việt Minh những mấy lần. Vì cái sự mật thám mà ngớ ngẩn ấy, Công bị bà trùm Kiều Trinh tát cho bôm bốp. Mấy cái bôm bốp ấy, thế mà người xem nhớ mãi.

Phản diện diễn hay thì được người xem nhớ, nhưng không được các giải thưởng ghi nhận. Chưa hết, còn một thiệt thòi nữa: hồi ấy người ta không trao giải cho diễn viên phụ như về sau này học theo việc trao giải diễn viên phụ của Oscar. Như đã nói, rất nhiều vai phụ còn được nhớ hơn vai chính trong phim, nhưng diễn viên đóng vai phụ thì ban giám khảo bỏ qua. Không thể không tiếc cho những diễn viên như Thanh Thủy, Hoàng Yến, Thu An, Bích Vân, Lịch Du, Anh Thái, Xuân Tạc… những người suốt đời diễn vai phụ. Về sau này, khi đã khá muộn, các ông bà được đền bù bằng một vài danh hiệu được phong tặng, riêng Thanh Thủy thì được một giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất khi đã ở tuổi bảy mươi.

Như thế mới càng mong nghệ sĩ Hòa Tâm cũng phải được vinh danh như các bạn đồng nghiệp. Muộn còn hơn không.

Diễn viên và thầy thuốc

Cuộc đời ít biết về nghệ sĩ Hòa Tâm, người vào vai A Sử trong 'Vợ chồng A Phủ' - ảnh 2

Nghệ sĩ Hòa Tâm vai A Sử, phim Vợ chồng A Phủ, 1961

Thời mới vào làm việc ở bộ Ngoại giao, tôi được gọi đi lính nghĩa vụ hai năm. Làm lính trong quân khu Thủ đô, tôi cùng đơn vị với Võ Hòa Nam, vốn là người của hãng Phim truyện Việt Nam. Cuối năm 1985, một hôm được nghỉ tranh thủ, Nam rủ, về nhà em chơi đi.

Vào làng Đại Yên, chỗ rẽ từ chùa Bát Tháp trên phố Đội Cấn. Một lối rẽ khác là bên phố Hoàng Hoa Thám, cạnh nhà máy bia. Đại Yên nổi tiếng là làng thuốc, ngay bên cạnh làng hoa Ngọc Hà. Đường làng ngoắt ngoéo quanh co um tùm cây cối. Một căn nhà ngói năm gian vốn là nhà thờ tự của gia đình. Ông bà ngoại của Nam lúc ấy đã cao tuổi lắm, có lẽ phải hơn tám mươi. Cô Phương Nhu mẹ Nam là kỹ thuật viên in tráng phim của hãng Phim truyện Việt Nam.

Và thật bất ngờ. Gặp thì mới biết, bố của Nam chính là… nghệ sĩ Hòa Tâm.

Nhân vật đã thấy trên màn ảnh mấy chục năm bây giờ ở ngay trước mặt. Trong phim thì toàn là mật thám biệt kích gián điệp Việt gian. Ngoài đời là một ông già gầy gò nói vừa đủ nghe. Tôi nghiệm thấy rất nhiều tính cách trái ngược trong nghề diễn viên, cả bên Tây lẫn bên ta. Ngay cùng lứa với chú Hòa Tâm, có những kép đẹp toàn đóng vai chính diện, bộ đội kỹ sư bác sĩ chủ nhiệm hợp tác xã tiên tiến, nhưng ngoài đời thì phóng túng, cơm nguội cơm sốt xơi tất. Hòa Tâm thì trái lại, trên phim toàn những vai gian giảo xảo quyệt (chẳng hạn, Bá Phức cha nuôi Hoàng Hoa Thám, âm mưu ám hại thủ lĩnh áo nâu), nhưng Hòa Tâm ngoài đời là người sống có nguyên tắc, trầm tĩnh, mực thước. Làm nghệ thuật, rất nhiều người chỉ đơn giản là có chút năng khiếu và đầy ảo tưởng về bản thân. Hòa Tâm thì khác, ông rất am hiểu lý luận về nghề, rất có ý thức về nghề. Ông tự thấy mình không nên là con cáo và chùm nho của Aesop, nhưng cũng nhìn ra rất rõ những yếu kém của nghề, của mình và đồng nghiệp.

Tôi gắn bó với gia đình chú Tâm từ đấy. Có khi đi về trong nhà hàng tháng trời như thành viên trong gia đình. Một căn phòng nhỏ yên tĩnh dành cho tôi ngồi viết tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo, năm 1986. Chú Tâm thích văn chương, hay đọc sách và đàm luận về nghệ thuật và thế sự. Về cái được và cái mất, cái nặng và cái nhẹ trong cuộc đời, Hòa Tâm tâm đắc với mấy câu mà ông Phan Khôi từng ngâm ngợi: “Làm sao cũng chẳng làm sao / Dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi / Làm chi cũng chẳng làm chi / Dẫu có điều gì cũng chẳng làm sao”. Đồng thời chú là người thường xuyên tự vấn về những vấn đề nghề nghiệp. Chẳng hạn, có lần tôi nhắc đến mấy nữ diễn viên đàn em của chú, chú nói ngay: Thanh Thủy diễn hay hơn, nó mộc mạc chân chất dễ thương. Còn cô D thì diễn cứ như muốn chứng tỏ mình là người có học, một tí Kirienko của Sông Đông êm đềm, một tí Samoilova của Đàn sếu bay qua, pha trộn hơi phô. Quả là người trong nghề mới nói về nhau được như vậy.

Hòa Tâm sinh năm 1931 ở Phù Cát, Bình Định. Năm 1954, sau hiệp định Geneva, Pháp phải rút quân khỏi Việt Nam, Hòa Tâm theo cha tập kết ra Bắc. Ban đầu được phân công về làm nhân viên Bệnh viện lao trung ương, rồi đi tuyển diễn viên điện ảnh và đỗ. Gương mặt góc cạnh đầy nam tính được coi là rất xi nê, loanh quanh thế nào không được đóng vai bộ đội dân quân mà toàn Việt gian. Có khi tại cái cặp mắt dài hơi xếch long lanh linh hoạt. Phản diện trên phim nhưng ngoài đời đáng yêu và rất dễ chịu. Đám mấy em diễn viên lộng lẫy xinh tươi ngày ấy cứ ríu rít anh Hòa Tâm, rồi một ngày mấy em thầm thì to nhỏ với nhau: Anh Tâm vừa lấy vợ rồi, một con bé ở trong làng.

Cuộc đời ít biết về nghệ sĩ Hòa Tâm, người vào vai A Sử trong 'Vợ chồng A Phủ' - ảnh 3

Hòa Tâm trong vai mật thám Công, phim Sao tháng tám

Chẳng phải là làng nào xa xôi, “con bé” ấy ở ngay trong làng Đại Yên. Hà Nội giải phóng năm 1954, cả đạo quân văn công kháng chiến đổ ập vào làng Đại Yên và vùng Thụy Khuê, xây dựng nền điện ảnh cách mạng. Toàn bộ vùng Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đại Yên thành một cái phường điện ảnh, đúng kiểu Hollywood của Việt Nam. Các phú gia nhà cao cửa rộng, vừa sợ bị quy thành phần tư sản địa chủ vừa có cái hồn nhiên đón chào quân kháng chiến, bèn mở rộng cửa mời các nghệ sĩ vào sống trong nhà mình. Hòa Tâm cùng các nghệ sĩ vào ở nhờ trong nhà ông tổng lý của làng, kiểu ông chủ tịch xã ngày nay. Hàng ngày anh diễn viên sang nhà hàng xóm chơi với dàn nhạc của xưởng phim đang ở nhờ bên ấy. Dàn nhạc ăn ở trong nhà ông cụ thầy thuốc Đông y, hàng ngày mang đàn sáo trống nhị ra tập trên cái sân gạch. Hòa Tâm sang, và lọt vào mắt anh là cô bé Phương Nhu vừa học hết phổ thông.

Ban đầu ông cụ thầy thuốc không đồng ý. Lấy vợ xem tông, gả chồng xem giống, chẳng biết nó là con cái nhà nào. Anh chàng Tâm phải dẫn cha đến gặp ông cụ, hai ông chuyện trò tâm đắc, thành ra quý hóa nhau luôn.

Rồi vườn và đất của mình đã biến thành đất lấn của xung quanh. Cũng như ông bà cụ còn có mấy căn nhà ở ngoài phố Đội Cấn, hòa bình lập lại cho người ta ở nhờ, rồi cho thuê giá rẻ như cho, cuối cùng cũng không còn là nhà của mình. Nói chuyện thuê rẻ, có lần tôi dắt xe ra, bà ngoại Nam bảo tiện thì chở bà ra ngoài Đội Cấn một tí. Đến chỗ có cái chi nhánh ngân hàng thì bà xuống. Sau đó cô Nhu biết, cô bảo: Bà đi lấy tiền đấy. (Mấy đồng tiền cho thuê nhà rẻ như bèo nhưng bèo thì vẫn cho mình cái ảo tưởng còn giữ được nhà).  

Một đời nghệ thuật lặng lẽ của Hòa Tâm như vậy là gắn với những thế gian biến cải trong làng Đại Yên. Đồng nghiệp và người quen thì nhiều nhưng bạn không nhiều. Có những người kiểu cô Thu Hiền (chị Quyên trong phim Nguyễn Văn Trỗi, Kim Anh trong Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn), cô hàng xóm Ngọc Lan (Lửa trung tuyến, Quê nhà)… toàn những người đẹp, nhưng được cái không diễn kịch trong đời thường. Khi chú đặt tên con gái mới sinh là Vân Ly, hồi ấy cái tên Ly còn hiếm, cô Ngọc Lan còn trêu: Vân Ly vi ni lông. Ấy thế, về sau Ngọc Lan có thêm con gái, cô cũng đặt tên con là Ly.

Lấy vợ trong làng thuốc nổi tiếng ở Hà Nội, Hòa Tâm mày mò học nghề từ bố vợ là thầy thuốc Đông y. Thì ra Hòa Tâm là người có thiên hướng và thích nghề y. Không chỉ học thuốc từ ông cụ, về sau Hòa Tâm còn tự học để phát triển sang cả xem mạch chẩn bệnh kê đơn. Chữa cho đồng nghiệp và cho những người xung quanh. Đi đóng phim cả tháng trời ở vùng sâu vùng xa, ai có bệnh gì chữa nấy. Ra trường quay thì đóng vai gian giảo đáng chết nghìn lần, tẩy trang xong lại quay ra chữa bệnh cứu người. Bảo sao cái ông “Việt gian” ấy được nhiều người yêu quý.

Tiếc và xót

Không nề hà chính phụ, cho dù vai phụ mà được người ta nhớ thì cũng tốt. Nhưng đóng vai kẻ thù của nhân dân thì thường bị kịch bản quy định cho cái kết cục bi đát. A Sử trong phim Vợ chồng A Phủ là con trai độc ác của thống lý, cuối cùng bị chàng trai cách mạng A Phủ bắn chết trên sân khi định bỏ trốn. Phim làm năm 1961, được xem đến mòn cả phim, rồi sau đấy một thời kỳ dài ở trong kho lưu trữ. Mãi sang đầu thế kỷ hăm mốt, công ty Phương Nam mới chủ trương phát hành lại hàng trăm phim Việt Nam ở dạng đĩa DVD. Tôi nói với Nguyễn Minh Đức là người của Phương Nam thực hiện công trình DVD này: Nói đến Vợ chồng A Phủ, người ta thường chỉ nhắc Đức Hoàn (Mỵ) và Trần Phương (A Phủ), nhưng phải có Hòa Tâm (A Sử) thì mới đủ một tam giác nghệ sĩ có ấn tượng của phim. Sau đó anh bạn Đức đã cho in lên trên bìa hộp DVD đầy đủ tên của cả ba nghệ sĩ.

Đến phim Sao tháng tám (1976) thì mới là đỉnh điểm trớ trêu của cái nghề đóng vai phản diện. Đã theo công thức ta thắng địch thua thì nhân vật thằng mật thám cũng phải vụng về ngớ ngẩn. Ít nhất ba lần nó để nữ cán bộ Việt Minh chạy thoát. Lần đầu nó bị bà trùm (Đức Hoàn) tát. Diễn xuất có vẻ êm xuôi, quay ba đúp là xong. Lần thứ ba, nó lại để xổng con mồi kia ngay trong nhà thương mà nó đang canh gác. Mụ trùm Đức Hoàn lại xông đến, lại tát. Phải tát đến bảy cái, phải quay đến bảy lần, suốt nửa ngày cứ tát đi tát lại. Cái tát đầu như phủi bụi. Cái thứ hai như tát yêu. Đến khi đạo diễn chê thì Đức Hoàn dồn sức tát như trời giáng, Hòa Tâm chảy cả máu mũi. Cứ thế đến cái tát thứ bảy đạo diễn mới ưng ý.

Chỗ này phải nhắc lại chuyện cũ. Mười lăm năm trước đó, Hòa Tâm đóng vai A Sử độc ác, nó đánh đập cô Mỵ (Đức Hoàn) từ đầu đến cuối phim. Mười lăm năm sau đến lượt Đức Hoàn đóng vai sếp mật thám của Hòa Tâm, ra sức ngược đãi tay sai của mụ. Hai diễn viên cứ thế mà đổi vai “thanh toán giang hồ” với nhau.

Nỗi đoạn trường chưa phải đến đấy là hết. Cô Phương Nhu lúc ấy là kỹ thuật viên in tráng phim. Tự tay cô phải in đủ cả bảy lần quay bảy lần chồng bị tát. Vẫn biết nghệ thuật nào cũng có khi phải trả giá nhưng bảy lần đay đi đay lại như thế ai mà chẳng xót.

Rồi lại còn xót nữa, khi Hòa Tâm đóng vai Bá Phức trong phim Hoàng Hoa Thám, năm 1987. Bá Phức là cha nuôi của Hoàng Hoa Thám, nhưng ông ta đã về hàng giặc Pháp. Một lần ông ta lấy cớ tình cũ nghĩa xưa quay lại thăm Đề Thám rồi ban đêm đặt mìn dưới giường thủ lĩnh áo nâu. Tưởng là đã giết được Đề Thám, ông ta cuống cuồng bỏ chạy ra khỏi thành. Về đến nhà, thấy cái cục gì lù lù trên giường, ông ta mở ra xem thì hóa ra cái đầu của thằng lính hầu đã theo ông ta vào thành rồi bị ông ta bỏ lại. Nghĩa quân đã chặt đầu nó, gửi về cho ông ta như một thông điệp báo thù. Hoảng loạn, ông ta rú lên khiếp đảm rồi lăn đùng ra chết. Hòa Tâm lúc ấy đã gần sáu mươi, sức khỏe sa sút nhiều, mà phải đóng cảnh này liền mấy đúp. Đang đứng mà ngã lăn quay xuống nền nhà, ngã không khéo thì chính diễn viên đập đầu xuống nền gạch mà chầu trời. Vợ con xem phim chỉ biết xót thầm.

Bây giờ sau mỗi lần đi xa cả năm trời, trở về Hà Nội, tôi đều đến thăm căn nhà ở trong làng Đại Yên. Không còn căn nhà ngói năm gian thờ tự ngày xưa nữa. Không còn cái ao bèo nho nhỏ và cây ngọc lan trước nhà. Không còn cái sân gạch một thời dàn nhạc xưởng phim truyện tập tành. Nhưng ở đấy vẫn còn cô Nhu và gia đình Nam, cùng với kỷ niệm về chú Hòa Tâm tràn ngập trong không gian.

Theo Hồ Anh Thái/Tiền Phong

  • Từ khóa

Khánh thành tượng đài Lênin ở trung tâm thành phố Vinh

Công trình tượng đài Lênin tại thành phố Vinh làm bằng đồng, nặng 4,5 tấn là biểu hiện của tình hữu nghị hai nước Việt - Nga.
18:33 - 16/04/2024
87 lượt xem

Chuẩn bị Lễ hội sông nước TP.HCM 2024

Loạt lễ hội, sự kiện diễn ra trong mùa hè 2024 tại TP.HCM hứa hẹn góp phần định vị điểm đến TP.HCM là thành phố của sự kiện khu vực.
14:30 - 16/04/2024
179 lượt xem

Ba điểm đến ở Việt Nam vào top 100 thành phố tốt nhất thế giới để đi bộ

Danh sách 100 thành phố tốt nhất trên thế giới để khám phá bằng cách đi bộ đã được công bố qua một khảo sát được tiến hành 1 năm từ danh sách 800 thành...
11:39 - 16/04/2024
236 lượt xem

Triển lãm Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định đột ngột kết thúc sớm hơn 1 tháng rưỡi

Triển lãm "Sự hình thành chữ quốc ngữ tại Bình Định" đã đột ngột kết thúc vào ngày 12-4 thay vì diễn ra từ ngày 5-4 đến 30-6 như kế hoạch ban đầu. Trước...
08:09 - 16/04/2024
333 lượt xem

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần 3 – 2024: Nhiều hoạt động đặc sắc

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là gương mặt đầu tiên được công bố trở thành Đại sứ Văn hóa đọc TP HCM nhiệm kỳ 2024 – 2025.
07:45 - 16/04/2024
356 lượt xem