19
/
70087
Hình ảnh con lợn trong văn hóa người Việt
hinh-anh-con-lon-trong-van-hoa-nguoi-viet
news

Hình ảnh con lợn trong văn hóa người Việt

Thứ 5, 07/02/2019 | 07:34:50
947 lượt xem

BGTV- Con lợn là con vật biểu tượng cho một trong 12 con giáp và là con giáp cuối cùng trong một chu kì 12 năm, gọi là năm Hợi. Tuy vị trí ở cuối cùng, song con lợn, hình ảnh của nó đã được văn hóa dân gian thâu thái, thể hiện trong tín ngưỡng, thành ngữ, ca dao, mỹ thuật dân gian, không hề kém so với các con giáp khác.

Theo quan niệm âm dương của người xưa, lợn biểu trưng cho tính âm, cho sự phồn thực, nhàn nhã và sung túc. Đối với người Việt, một dân tộc có nền văn minh lúa nước lâu đời thì con lợn có mối quan hệ gắn bó thân thiết. Hầu như ở khắp các làng quê người Việt, nhà ai cũng thường nuôi đàn gà, vài con lợn để có thêm nguồn thực phẩm cho gia đình, hoặc đem bán lấy tiền phục vụ những nhu cầu khác. Và hình ảnh con lợn trong chế biến, nấu nướng các món ăn cũng đã được thể hiện sinh động trong những câu ca dao dí dỏm: 

Con gà tục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi, đi chợ mua tôi đồng riềng

Con lợn không chỉ cung cấp thực phẩm hàng ngày mà còn có vai trò quan trọng trong những ngày lễ Tết. Thực tế chú lợn thường biết đến với hình ảnh béo tốt, ăn no tắm mát, không phải làm gì. Lúc nào cũng vui vẻ yêu đời, đó cũng chính là những hàm ý sâu xa ẩn trong những bức tượng Heo phong thuỷ mạ vàng mà mọi người vẫn thường tặng nhau trong dịp mừng khai trương cửa hàng, mừng Thọ hay những dịp lễ lớn. 

Trong thành ngữ, ca dao người Việt cũng nhắc đến con lợn trên nhiều phương diện. Biểu tượng Tết Nguyên đán cổ truyền hẳn nhiều người khó quên:

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Câu nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

Lợn dùng tế lễ thường có chế độ chăm sóc riêng rất cẩn thận và được bà con trong làng không gọi một cách thông tục, mà dùng những từ ngữ biểu lộ sự trân trọng, tôn kính như: Ông Lợn, Ông Ỉ… Đối với văn hoá dân gian Việt Nam lợn là biểu trưng cho sự may mắn và trù phú nên trong dịp lễ như đám cưới, mừng Thọ một món sính lễ vô cùng quan trọng và không thể thiếu đó là một chú Heo quay.

Trong các dịp lễ tết, bốn thứ ẩm thực không thể thiếu: đó là xôi, bánh chưng, thịt lợn và rượu. Bánh chưng bao giờ cũng có nhân đậu xanh và thịt lợn ba chỉ. Xôi thường là ăn với thịt lợn luộc. Rượu uống vừa kích thích ăn ngon miệng, vừa chống ngấy thịt, lại giúp tiêu hoá tốt, lưu thông khí huyết. Bốn thứ trên thường nằm trên mâm cúng thần linh, tổ tiên. Vì thế nên các nghi lễ trọng đại, trong đó có nghi lễ cưới xin đều có các món đó. Trong bài ca dao “Xin áo”, anh chàng hứa trả công cho cô gái khâu áo bằng chính lễ vật “một con lợn béo”:

…Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến lúc có chồng anh giúp của cho

Giúp em một thúng xôi vò

Một con lợn béo, một vò rượu tăm.

Tranh Đông Hồ

Hình ảnh con lợn còn được các nghệ nhân dân gian thể hiện độc đáo qua nghệ thuật tạo hình dân tộc như tranh dân gian, điêu khắc… Trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, tranh lợn với ý nghĩa chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc. Nhưng mỗi dòng tranh thì hình ảnh lợn được các nghệ nhân dân gian thể hiện khác nhau. Lợn trong tranh Đông Hồ thường có hai kiểu: “Lợn ăn cây dáy” và “Lợn nái”. Hai kiểu tranh đều có cái nhìn mang tính trang trí cao, hình tượng được chắt lọc và điển hình hóa. Con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh sôi, phát triển. Tranh Đông Hồ được làm từ vỏ điệp, sắc trắng có ánh lấp lánh, màu vàng từ hoa hòe hay hạt dành dành, màu đỏ vang từ gỗ cây vang, đỏ son từ đất son, xanh lá cây là gỉ đồng, xanh chàm từ lá chàm và đen là than rơm nếp. 

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp.

Thời trước nhiều chợ quê ở vùng đồng bằng sông Hồng những phiên chợ áp Tết bày bán nhiều tranh Đông Hồ. Người dân mua tranh về dán lên tường, vách đón mừng năm mới, cầu mong may mắn, hạnh phúc, an lành.

Người nghệ nhân dân gian còn tạo nên một hình ảnh cực kỳ dễ thương là hình ảnh chú lợn bằng đất nung hay gọi là heo đất. Hình ảnh chú heo tươi cười rạng rỡ, trên lưng có khoét một rãnh nhỏ có lẽ là hình ảnh quen thuộc với tất cả mọi người. Nuôi heo đất là một hình thức tiết kiệm dễ dàng. Đặc biệt trong những ngày Tết thì trẻ con được lì xì bỏ heo để qua năm mới mua được những món mà mình thích. 

Đối với người Việt, hình tượng con lợn gắn liền với mọi khía cạnh trong đời sống của con người, luôn tồn tại hai thuộc tính đối lập tốt – xấu, trọng – khinh. Song lợn vẫn luôn là loài vật nuôi đem lại lợi ích lớn lao cho con người, hình ảnh con lợn trong ẩm thực, quan niệm, tín ngưỡng thể hiện đặc sắc văn hóa người Việt./.

BGTV (Tổng hợp)


  • Từ khóa

Nhà nghiên cứu văn hóa, Giáo sư Tô Ngọc Thanh qua đời ở tuổi 90

GS Tô Ngọc Thanh, con trai trưởng của danh họa Tô Ngọc Vân, người cả đời gắn bó với văn hóa dân gian, vừa qua đời sáng 24/4 tại Hà Nội.
16:59 - 24/04/2024
324 lượt xem

'Bỏ túi' những địa điểm du lịch hấp dẫn tại Hà Nội dịp 30/4 - 1/5

Hà Nội với hơn 1.000 năm lịch sử, cùng với những di tích lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc đến những nơi sôi động thu hút đông đảo giới trẻ, du...
14:59 - 24/04/2024
360 lượt xem

Về Điện Biên dịp lễ 30-4 và 1-5 trong không khí đại lễ hào hùng

Mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, để du khách hòa mình vào không khí đặc biệt của sự kiện 70 năm...
12:10 - 24/04/2024
432 lượt xem

Chuyện của Pao dự Liên hoan phim ASEAN ở London

Tối 22-4 (giờ địa phương), Liên hoan phim ASEAN 2024 khai mạc tại London, với sự tham dự của gần 200 khách mời là đại diện các phái đoàn ngoại giao tại...
09:35 - 24/04/2024
516 lượt xem

220 năm quốc hiệu Việt Nam, nhiều lần thay đổi và 'hồi sinh'

Cách đây 220 năm, vua Gia Long đã chọn quốc hiệu Việt Nam để đặt tên đất nước thống nhất sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc.
08:28 - 24/04/2024
503 lượt xem