9
/
88914
Tình người ở khu cách ly chống dịch: Nhật ký 7 ngày cách ly
tinh-nguoi-o-khu-cach-ly-chong-dich-nhat-ky-7-ngay-cach-ly
news

Tình người ở khu cách ly chống dịch: Nhật ký 7 ngày cách ly

Chủ nhật, 29/03/2020 | 13:03:12
635 lượt xem

Đầu tháng 3, vợ chồng tôi đều là cựu giáo chức, đã xấp xỉ 70 tuổi, sang Úc dự lễ tốt nghiệp của con gái. Lúc đi, tình hình vẫn yên. Không ngờ sau cái đêm ca bệnh thứ 17 xuất hiện, mọi sự đã thay đổi chóng mặt

Chúng tôi kịp bay về Việt Nam trước khi Úc đóng cửa biên giới. Chiều 21-3, vợ chồng tôi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, sau hơn 5 giờ chờ nhập cảnh thì được xe chở về ký túc xá ĐHQG TP HCM. Tại đây, chúng tôi sẽ phải cách ly 14 ngày. Trong phòng có 4 người nữa.

Ngày thứ 1 (22-3)

Sáng đầu tiên thức dậy lúc 6 giờ 15 phút, dưới sân đã thấy 8 xe buýt. Mọi người đang dỡ đồ xuống. Hóa ra cả đêm qua xe vẫn không ngừng chở người từ sân bay về.

Tình người ở khu cách ly chống dịch: Nhật ký 7 ngày cách ly - Ảnh 1.

Khu cách ly tập trung ở ký túc xá ĐHQG TP HCM

Đến 14  giờ, khu A được chính thức bàn giao cho quân đội để làm nơi cách ly. Ngoài cổng xếp hàng dài xe con, xe máy mang đồ đến tiếp tế cho người thân dưới trời nắng nóng. Bộ đội tiếp nhận quà, xếp lên xe bán tải chở vào sảnh ký túc xá rồi trao cho người nhận. Chứng kiến những việc này, tôi cảm thấy như có lỗi với Tổ quốc. Phải chăng mình xuất ngoại không đúng thời điểm? Nhưng người tính không bằng trời tính.

Ngày thứ 2 (23-3)

Bình minh đang lên, một ngày mới bắt đầu....

5 giờ 30 phút đã thức dậy, súc miệng nước muối, uống nước chanh ấm pha với mật ong, tổng vệ sinh phòng ở. Đã có 3 xe 45 chỗ chở người cách ly vào ký túc xá.

Nước uống liên tục đưa đến các phòng. 16 giờ 30 phút đã có cơm tối. Gần chục ngàn người sống ở đây được phục vụ chu đáo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cá nhân trong điều kiện tốt nhất có thể. Đó là sự cố gắng hết sức của nhà nước, quân đội, các tình nguyện viên. Rất cảm ơn vì tất cả.

Tình người ở khu cách ly chống dịch: Nhật ký 7 ngày cách ly - Ảnh 2.

chuyển các nhu yếu phẩm đến người dân đang cách ly

Ngày thứ 3 (24-3)

Thức dậy lúc 4 giờ 30 phút, ra hành lang thấy dán bảng nội quy. Sống ở đâu dù là 1 ngày cũng phải sạch sẽ, thoải mái nên sau khi vệ sinh cá nhân thì lôi chăn chiếu ra giặt.

7 giờ, trước cửa phòng vang lên giọng nói lễ phép và dễ thương: "Các cô ơi! Ra nhận đồ ăn sáng giúp con!".  Sau khi phát đồ ăn sáng xong, các cháu phục vụ cách ly lại đi dọn rác và quét hành lang. Tầng 8 tôi ở, từ hôm qua, các phòng đều có ý thức giữ gìn vệ sinh chung: cho rác vào túi ni-lông, buộc chặt lại và tập kết ra đầu hành lang để đỡ việc cho các cháu phải đi các phòng thu gom.

Tình người ở khu cách ly chống dịch: Nhật ký 7 ngày cách ly - Ảnh 3.

Những người phục vụ quét dọn

Hôm nay, mùng 1 đầu tháng, các cháu phục vụ cách ly còn hỏi: "Các cô có ăn cơm chay không ạ?". Sao lại chu đáo đến thế chứ! Tiếp tục phát nước suối (ngày 2 lần ), trang bị thêm 2 lọ nước rửa tay sát khuẩn. "Các cô còn thiếu gì nữa không ạ?". Câu hỏi làm tôi ứa nước mắt. Thương và yêu các cháu vô cùng.

Ngày thứ 4 (25-3)

Ông xã chuyển sang phòng đối diện bảo đảm nguyên tắc "nam nữ thụ thụ bất thân".

5 giờ 30 phút thức dậy, cả phòng tập thể dục để nâng cao sức khỏe, uống nước ấm chanh mật ong để tăng sức đề kháng chống lại con CoV. Phòng ở luôn sạch sẽ, thông thoáng, tràn ngập ánh nắng mặt trời. Một lần nữa lại thấy ấm lòng vì sự quan tâm chu đáo của các cấp chính quyền. Tôi yêu Việt Nam !

Ngày thứ 5 (26-3)

Hôm nay, là ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Vừng đông đã hửng sáng, người người, nhà nhà dậy tập thể dục, đi bộ.

Bữa sáng có nhiều sự lựa chọn: cháo thịt bằm, mì xào thịt heo, bánh giò, hộp sữa, bánh mì và hộp sữa. Sau khi phát đồ ăn sáng xong, các cháu phục vụ cách ly đi phát nước uống, nước muối súc họng, phát cả C sủi; xong còn hỏi: "Cô ơi! Cô có thiếu gì nữa không?". "Cô  đủ rồi, các con nhớ giữ gìn sức khỏe nhé!".

Ngày thứ 6 (27-3)

Sau vài ba ngày đầu nhộn nhạo vì lượng người cách ly đổ về quá đông (lại vào ngày nghỉ cuối tuần), bằng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự hợp tác của cư dân, giờ đây ký túc xá đã vận hành đúng quy trình: trật tự an ninh bảo đảm, mọi người ngồi yên trong phòng, làm việc với điện thoại, laptop, iPad.

Các thanh niên đi cách ly đã tham gia vận chuyển rác cùng với tình nguyện viên giữ cho môi trường xanh sạch đẹp. Cơm trưa nay có: đậu đũa xào, canh rau cải, trứng chim cút bao giò sống rán lên rồi sốt cà chua.

Ngày thứ 7 (28-3)

Hết hôm nay là được nửa chặng đường "an dưỡng" bất đắc dĩ. Hằng ngày vẫn nhận được sự chăm sóc tận tình của toàn xã hội dành cho người cách ly: mỗi người có thể đến phòng y tế nhận 2 khẩu trang, 1 gói cà phê, 1 viên C sủi, chai nước muối (nếu có nhu cầu).

Các cháu dân quân như những con ong chăm chỉ, cần mẫn với công việc của mình: phát đồ ăn, thức uống, vận chuyển rác xuống tầng, lau chùi hành lang, đo nhiệt độ. Xong tất cả các công việc mới được ăn sáng. Thương quá! 

Sau cơn mưa, trời sẽ sáng!

"Em tới từ Mỹ, vậy là phải đi cách ly nha!". Vậy là đóng dấu một phát "rụp", dấu màu xanh trên tờ giấy khai báo "cách ly", mình được đưa đến ở ký túc xá ĐHQG TP HCM, khu A.

Ăn uống ở đây thì cũng đơn giản nhưng không hề thiếu thốn. Những người con xa quê đã được ăn những món Việt Nam sau những ngày ăn những món xứ người.

Mỗi ngày, trước bữa sáng và tối, các y - bác sĩ trong bộ áo bảo hộ màu thiên thanh tới từng phòng đo thân nhiệt của người được cách ly. Những giọt mồ hôi lăn dài trên tóc, trên tay cầm nhiệt kế, tay kia là tập tài liệu, họ tới từng phòng. Mọi người đều hỏi han và nhất là luôn luôn chốt lại bằng câu" "Thấy gì trong người thì nhớ báo nha".

Không có gì bằng, sau nhiều tháng cách xa gia đình và quê hương, được nghe tiếng nói Việt Nam chân thành, chân chất. Không có gì bằng, được những con người đã để lại phía sau những lo âu của gia đình, bạn bè, khoác lên bộ áo bảo hộ dưới thời tiết nóng nực để chăm lo cho từng người.

Nếu ở trên là màu áo thiên thanh của y - bác sĩ thì màu áo xanh lá đậm lại là của dân quân và bộ đội đang quản lý, túc trực ở khu cách ly. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, họ vẫn tạo điều kiện để  những người cách ly cảm thấy thoải mái nhất. Khi biết mình muốn xuống dưới sảnh lúc 5 giờ để tập thể dục, một anh dân quân đã không đắn đo mà cho mình một khoảng riêng để có thể hít đất hoặc vận động cơ thể. Anh hỏi han: "Nhớ rửa tay nha em", "Đi đâu xong nhớ rửa tay đó", nhắc nhở đeo khẩu trang thường xuyên.

Hàng ngàn suất ăn một ngày. Hàng ngàn chai nước được phát ra để đúng chỉ tiêu 1,5 lít nước/người. Hàng trăm người sử dụng hệ thống mạng WiFi cùng một lúc. Đó là chưa kể mỗi ngày, trung tâm cách ly lại phải đón thêm người mới tới. Những người bình thường như mình, mỗi ngày được ăn ba bữa cơm, uống một ngụm nước và rồi tựa lưng xuống xem phim trên mạng hay nhắn tin với bạn bè có lẽ chưa bao giờ nghĩ tới việc chuỗi cung ứng và tiếp tế này hoạt động ra sao. Nhưng thực sự, đó là một công việc yêu cầu rất nhiều nhân lực và có thể là ý chí nữa.

Cơ sở vật chất trong khu cách ly không phải là hoàn hảo và nhiều tiện nghi đang còn thiếu. Nhưng về mặt khác, đây có thể xem như một cuộc "cách ly" khỏi thế giới ngoài kia. Nếu được, hãy hoàn thành nốt công việc được giao. Nếu được, hãy kết thúc cuốn sách mà bạn đang đọc. Nếu được, hãy sáng tạo hoặc viết lách ra một gì đó ở thời điểm có nhiều lúc rảnh như bây giờ. Nếu được, hãy xem các bộ phim hay trải nghiệm những thứ mà mình chưa từng thử bây giờ. Và nếu được, hãy cảm ơn, dù đó là để trong tâm hoặc nói với những người đã và đang xông xáo ở khu cách ly, những y - bác sĩ với màu áo thiên thanh kia, những quân nhân khoác lên mình bộ quân phục và khẩu trang, những người con đất Việt đang cống hiến hết mình vì mục tiêu cao đẹp "sẽ không ai bị bỏ lại đằng sau".

Dù gì thì sau cơn mưa, trời sẽ sáng!.

Trần Sắc Phước (du học sinh Mỹ)

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/thoi-su/tinh-nguoi-o-noi-cach-ly-chong-dich-nhat-ky-7-ngay-cach-ly-20200328195206199.htm

  • Từ khóa

Từng thủ khoa đầu vào Trường ĐH Ngoại thương, bỏ thành phố về quê trồng rau

Từng là thủ khoa đầu vào cùng tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM nhưng Nguyễn Quỳnh Châu bỏ hết lại phía sau, trở về quê khởi...
14:59 - 28/03/2024
147 lượt xem

Làm thêm không quá 20 giờ/tuần, học sinh, sinh viên nói gì?

Đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm (15 tuổi trở lên) nhưng không quá 20 giờ/tuần của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thu...
10:20 - 28/03/2024
268 lượt xem

Phát động cuộc thi Robocon về chiến dịch Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không

Các sự kiện lịch sử được sử dụng trong cuộc thi Robocon năm 2024 gồm sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm...
07:28 - 28/03/2024
324 lượt xem

Đề xuất học sinh, sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần liệu có khả thi?

Trong dự thảo luật Việc làm (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động được làm thêm nhưng không quá 20...
15:14 - 27/03/2024
716 lượt xem

3 câu nói cho thấy bạn có trí tuệ cảm xúc cao

Trí tuệ cảm xúc không chỉ là suy nghĩ hay khả năng cảm nhận, mà còn được thể hiện rõ qua cách bạn trò chuyện và truyền đi thông điệp.
11:59 - 27/03/2024
797 lượt xem