11
/
91467
Thầy trò 'chạy đua' với chương trình học, Bộ GD-ĐT nói gì?
thay-tro-chay-dua-voi-chuong-trinh-hoc-bo-gd-dt-noi-gi
news

Thầy trò 'chạy đua' với chương trình học, Bộ GD-ĐT nói gì?

Thứ 5, 14/05/2020 | 13:17:30
317 lượt xem

Trao đổi về những khó khăn, vất vả của thầy trò trong việc 'chạy đua' với chương trình học, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), khẳng định bộ luôn đồng hành, hỗ trợ, không để nhà trường đơn độc, vượt khó.

Thầy trò chạy đua với chương trình học, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 1.

Một tiết học môn toán của học sinh lớp 12CL1 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH cho biết: "Bộ GD-ĐT đã hai lần điều chỉnh thời gian kết thúc năm học, hiện mốc thời gian đang thực hiện là 15-7, có nghĩa đã lùi 6 tuần so với mốc quy định hằng năm. Thời gian này chưa tính 1-2 tuần trong quỹ dự phòng của năm học. 

Bộ cũng tinh giản chương trình các cấp, tùy theo mỗi môn học đã giảm nội dung chương trình từ 4-7 tuần. Như vậy, thời lượng thực học sẽ chỉ còn khoảng 10 tuần. Trong khi nếu tính mốc học sinh cả nước đi học trở lại thì đúng còn 10-12 tuần (với học sinh trung học) và 9-11 tuần (với học sinh mầm non, tiểu học) để thực hiện chương trình học kỳ 2".

Trong tình huống hiện nay, vai trò của hiệu trưởng, của các tổ bộ môn trong mỗi nhà trường rất quan trọng. Nhưng tôi khẳng định các trường không đơn độc vượt khó. Những điều chỉnh từ Bộ GD-ĐT trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp là minh chứng cho sự đồng hành, hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước.

Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH

* Thực tế ở nhiều trường phổ thông hiện nay, cả thầy và trò đều đang chịu áp lực khi phải tăng tốc hoàn thành học kỳ 2. Có những nơi phải học tăng ca, học cả thứ bảy, chủ nhật. Liệu giữa tính toán của Bộ GD-ĐT và thực tiễn dạy học đang có những điểm vênh nhau không?

- Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh như tôi nói ở trên. Tuy nhiên, khi triển khai cụ thể, các nhà trường phải chủ động có kế hoạch chi tiết. Ở đây không phải chỉ là việc sắp xếp thời khóa biểu, ca học trong ngày, trong tuần, mà là việc thiết kế nội dung dạy học để phù hợp với điều kiện về thời gian và các yếu tố khác.

Trong nội dung đã được Bộ GD-ĐT tinh giản, có những bài vẫn dạy nhưng đã được giảm bớt nhiều nội dung, yêu cầu, chỉ giữ phần cốt lõi. Những nội dung như thế này cần được các nhà trường rà soát, tích hợp với các bài khác phù hợp để xây dựng lại thành những chủ đề dạy học. 

Tương tự trong nội dung giảm tải có những phần hướng dẫn học sinh tự học và cả những nội dung không giảm, các tổ bộ môn trong các trường cần chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, trong đó giao nhiệm vụ cho học sinh chuẩn bị tại nhà trước khi đến lớp (nghiên cứu sách giáo khoa, tài liệu, tìm hiểu các tình huống thực tế). Việc này sẽ giúp học sinh tiếp cận bài học trước, có sự chuẩn bị, tiết kiệm thời gian trên lớp.

Tùy theo thực tế của mỗi nhà trường để xây dựng phương án ôn tập, củng cố, bù đắp kiến thức, kỹ năng còn thiếu hụt của học sinh khi học qua Internet, truyền hình. Tuy nhiên, không nên bố trí học sinh học liên tục cả thứ bảy, chủ nhật, không có ngày nghỉ sẽ gây áp lực, kém hiệu quả.

Thầy trò chạy đua với chương trình học, Bộ GD-ĐT nói gì? - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành

* Nhưng theo phản ảnh ở một số địa phương, việc dạy học trực tuyến và học qua truyền hình không hiệu quả, có những học sinh gần như không học được gì từ hình thức này. Việc đứt đoạn học tập khá lâu cũng ảnh hưởng đến khả năng tập trung học tập, động cơ, nề nếp học tập nên sẽ khó có thể triển khai việc dạy học theo tiến độ mà Bộ GD-ĐT vạch ra...

- Những khó khăn này Bộ GD-ĐT cũng đã nắm được. Trên thực tế, những trường đã tổ chức dạy học trực tuyến hoặc có biện pháp quản lý học sinh học qua truyền hình tốt thì thời gian này không gặp lúng túng. Tuy nhiên, đúng là có một số trường không triển khai được hoặc triển khai chưa hiệu quả việc dạy trực tuyến và quản lý học sinh học qua truyền hình. 

Trường hợp các trường phải bắt đầu dạy kiến thức mới tiếp nối từ thời gian trước tết thì với hướng thiết kế kế hoạch dạy học theo chương trình giảm tải như tôi nói ở trên vẫn có thể hoàn thành được trước ngày 15-7.

Những trường đã tổ chức dạy trực tuyến, triển khai cho học sinh học qua truyền hình nhưng có học sinh học được, có học sinh không học được thì cách tổ chức ôn tập, phụ đạo cũng cần linh hoạt, đa dạng. Cách một số trường đang làm là tách những học sinh có khả năng tiếp thu kém hơn hoặc không có điều kiện học trực tuyến và học qua truyền hình riêng ra. Giáo viên dạy lớp bình thường xong thì quay lại dạy riêng đối tượng cần kèm cặp kỹ.

Tôi thấy không nhất thiết phải tách riêng, mà có thể tổ chức ôn tập trung cả lớp, coi sự tương tác giữa học sinh khá, giỏi với học sinh yếu, kém là một biện pháp hỗ trợ. Ví dụ như chia các nhóm học tập để giao nhiệm vụ. Trong nhóm có cả học sinh giỏi, khá và yếu kém. Hướng dẫn học sinh phân công thực hiện nhiệm vụ phù hợp, trao đổi với nhau về nội dung bài học, trong đó học sinh khá, giỏi chia sẻ, giúp đỡ học sinh yếu, kém. Giáo viên chú ý hơn đến các em học còn yếu, kém để hướng dẫn qua chính các nhiệm vụ học tập mà các em đang được giao.

Bộ cũng quy định việc kiểm tra thi cử trên tinh thần "học gì, thi nấy" nên khi tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra học kỳ 2, các trường cũng cân nhắc từ hiệu quả thực dạy để ra đề, đánh giá. Bộ GD-ĐT cũng có hướng dẫn áp dụng linh hoạt quy định kiểm tra học kỳ 2 theo hướng giảm các đầu điểm theo quy định để phù hợp với tình huống eo hẹp thời gian.

* Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng cho biết nếu điều kiện dạy học khó khăn, có thể chuyển một phần nội dung chương trình của năm học này sang thực hiện ở năm học sau. Tuy nhiên, nếu Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn thì các nhà trường không thể tự điều chuyển được. Vậy việc này cụ thể thế nào?

- Bộ GD-ĐT đã tinh giản 4-7 tuần thực học, tùy theo mỗi môn học để có thể thực hiện được phần còn lại trong năm học này. Tuy nhiên, những phần đã tinh giản không có nghĩa là bỏ luôn không dạy, mà có những nội dung phải được bố trí dạy bổ sung vào năm học sau. Có những nội dung năm học này chỉ dừng ở mức độ khái quát, nhưng đó là nội dung kiến thức quan trọng thì vẫn bố trí dạy sâu hơn, kỹ hơn ở năm học sau. Việc này triển khai cụ thể như thế nào, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn trong nhiệm vụ năm học mới ở các bậc học.

Theo Vĩnh Hà/Tuổi trẻ (thực hiện)

https://tuoitre.vn/thay-tro-chay-dua-voi-chuong-trinh-hoc-bo-gd-dt-noi-gi-20200514083146706.htm

  • Từ khóa

Hành trình 417 lần ứng tuyển việc làm thất bại của nữ sinh Việt ở Hà Lan

Nguyễn Lê Vy sinh năm 1996, hiện làm việc tại Hà Lan. Vy đã trải qua hành trình đầy gian nan để tìm được việc làm sau 417 lần ứng tuyển không thành...
11:35 - 19/04/2024
61 lượt xem

Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Trong tương lai gần, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn sẽ tăng đột biến, tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực ngành này còn rời rạc và chưa đồng bộ.
09:41 - 19/04/2024
109 lượt xem

Hoa hậu bị đuổi học hay "cơn khát" thi nhan sắc của nữ sinh

Không còn cá biệt, đã không ít trường hợp nữ sinh viên đại học thi nhan sắc, giành danh hiệu rồi bị đuổi học. Phía sau đó, còn là "cơn khát" thành hoa...
07:35 - 19/04/2024
175 lượt xem

Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.
09:31 - 18/04/2024
675 lượt xem

Tuyển sinh lớp 10: 'Cân não' lựa chọn nguyện vọng

Ngày 19.4 là thời điểm đồng loạt học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học tới. Việc 'cân não' để lựa chọn...
07:47 - 18/04/2024
726 lượt xem