11
/
90657
Muôn kiểu học online của sinh viên
muon-kieu-hoc-online-cua-sinh-vien
news

Muôn kiểu học online của sinh viên

Thứ 3, 28/04/2020 | 15:26:27
464 lượt xem

Lịch học online ca tối trùng với giờ làm thêm, Đức Tuấn, 22 tuổi, vào nhà vệ sinh, mở phần mềm để điểm danh sau đó tắt camera rồi ra làm tiếp.

Tuấn là sinh viên năm tư Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (Hà Nội). Từ đầu tháng 2, trường cho sinh viên nghỉ tránh dịch, Tuấn liền đăng ký làm thêm ca tối từ 18h đến 0h sáng tại một siêu thị mini ở quận Cầu Giấy. Chàng trai dự tính nếu trường tổ chức học trực tuyến giống nhiều đại học khác, em có thể dành thời gian ban ngày để học.

Tuy nhiên, Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải lại tổ chức dạy học online bằng phần mềm Zoom 6 buổi tối một tuần, bắt đầu từ 19h30 đến 22h. "Vì cửa hàng thiếu nhân viên nên em chưa thể xin nghỉ. Mỗi tuần em có thể đổi 2-3 ca cho một chị làm buổi sáng. Những ca khác phải tìm cách vừa học vừa làm", Tuấn kể.

Cứ 19h, Tuấn nhờ nhân viên cùng ca trông cửa hàng rồi vào nhà vệ sinh, bật phần mềm Zoom trên điện thoại để học trực tuyến. Sau khi giáo viên điểm danh, nam sinh tắt camera, tắt mic, cất điện thoại vào túi quần rồi quay trở lại làm việc. Cách 40 phút, Tuấn phải vào nhà vệ sinh, thao tác chuyển sang phòng học mới vì bản dùng miễn phí của Zoom giới hạn thời gian gọi trực tuyến.

Tuấn kể thời gian từ 18h đến 19h30, cửa hàng thường đông khách do người dân đi làm về, ghé vào mua đồ. Nhiều hôm đang bán hàng, không thể bỏ dở vị trí nên em vào muộn 10-15 phút. Gặp giáo viên nghiêm khắc, Tuấn bị trừ điểm chuyên cần, thậm chí từng một lần bị tính là vắng mặt.

Qua giờ cao điểm, khách hàng vãn bớt, Tuấn có thể đặt điện thoại lên quầy thu ngân, mở âm lượng ở mức thấp nhất để theo dõi tiết học. Thấy có khách bước vào, nam sinh vội vàng cất điện thoại xuống ngăn bàn, nở nụ cười chào đón. Những ngày vừa học vừa làm, Tuấn nhờ bạn chụp ảnh vở ghi để ôn tập. Gặp chỗ nào chưa hiểu, nam sinh gọi hỏi bạn. Do không theo dõi trực tiếp, Tuấn thừa nhận học "như đang cưỡi ngựa xem hoa".

Nam sinh mong dịch bệnh chấm dứt, trường tổ chức học tập trung để không gặp tình trạng "chơi dài" vào ban ngày, đến tối lại cập rập vừa học vừa làm.

Sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất học online trong khi trường đóng cửa. Ảnh: HUMG

Sinh viên Đại học Mỏ - Địa chất học online trong khi trường đóng cửa. Ảnh: HUMG

Cũng như Tuấn, Lưu Tiến Huy, sinh viên năm ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) vẫn đi làm trong những ngày trường đóng cửa. Là cộng tác viên cho một tờ báo, Huy gặp những rắc rối nhất định khi sắp xếp giờ học online do đặc thù công việc không cố định thời gian, lại di chuyển liên tục.

Có hôm ca học sáng hơn 11h mới kết thúc, môn học chiều bắt đầu lúc 13h30, trong khi Huy phải hoàn thành video về ATM gạo tại Hà Nội. Ăn cơm trưa xong, Huy ra khỏi nhà từ 12h để ghi nhận, mong kịp xong trước giờ học chiều. Tuy nhiên, do phải quay và phỏng vấn người dân, lại không nhiều người đồng ý trả lời nên nam sinh mất nhiều thời gian hơn dự tính.

Lớp học bắt đầu khi Huy vẫn loay hoay với các thiết bị ghi hình, ghi âm tại khu vực phát gạo miễn phí. Vì được yêu cầu hoàn thành đề tài trong ngày, nam sinh quyết định ở lại, dùng tai nghe để học online. Do giảng viên không yêu cầu sinh viên phải mở hay tắt camera, Huy chọn cách tắt tiếng và màn hình, chỉ nghe giảng. Tình cờ hôm đó là buổi thuyết trình của các nhóm bằng slide đã chuẩn bị trước, Huy có nhiều thời gian "rảnh tay" hơn khi các bạn thuyết trình.

Trong lúc nghe, Huy vẫn tiếp tục công việc, khi nào giảng viên gọi đến tên, yêu cầu nhận xét bài các nhóm thì Huy mới cần trả lời. Nam sinh 21 tuổi thừa nhận buổi học này chỉ nghe câu được câu mất, cũng không thể tập trung như khi học tại nhà. "Tuy nhiên, em đã nghỉ đủ số buổi cho phép, nếu vắng mặt buổi này nữa sẽ bị cấm thi nên đành khắc phục như này", Huy nói.

Khác với những bạn sống tại thủ đô, Vừi Văn Nam, sinh viên năm ba Học viện Nông nghiệp Việt Nam, không phải vừa học vừa làm mà gặp khó khăn vì không bắt được Internet. Từ Tết Nguyên đán, Nam học online 2-3 giờ một ngày, thường bắt đầu lúc 7h sáng, mỗi tuần trung bình năm buổi. Nhà ở thôn Hạ A, xã Sán Sả Hồ, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, cả thôn gần như không nhà nào có Internet do chi phí lắp đặt đắt đỏ, Nam phải tìm nơi có nguồn Internet ổn định để học tập.

Ban đầu, em đi một km tới trường bán trú tiểu học và THCS Sán Sá Hồ, xin thầy hiệu trưởng mật khẩu wifi để đăng nhập vào học. "Thầy nhiệt tình chia sẻ. Do trường học đang sửa lại các phòng, em chỉ xin được ngồi ở ghế đá của trường để có wifi ổn định", Nam nói. Hình ảnh cậu sinh viên to cao ngồi ghế đá đeo tai nghe, liên tục thao tác và tương tác với laptop, điện thoại trở nên quen thuộc với các thầy cô ở ngôi trường này.

Vừi Văn Nam học online tại trường bán trú tiểu học và THCS Sán Sả Hồ, Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: Hồng Phi.

Vừi Văn Nam học online tại trường bán trú tiểu học và THCS Sán Sả Hồ, Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: Hồng Phi.

Một tháng gần đây, hay tin ở xã tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên vào kết nối wifi để học nên có buổi Nam lại lên học ở trụ sở xã. "Đây là trải nghiệm chưa từng có của em. Người ta lên xã làm thủ tục hành chính, còn em cắp balo vào xã như cán bộ nhưng thực tế chỉ là để xin wifi", Nam chia sẻ. Nhờ tìm được nguồn Internet ổn định, Nam chưa bỏ buổi học online nào.

Anh Nguyễn Việt Tuân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hoàng Su Phì, cho hay sau khi biết một số sinh viên học ở Hà Nội và các tỉnh về quê nghỉ chống dịch phải học online, dù có laptop, điện thoại thông minh nhưng lại không có Internet ổn định, Bí thư Huyện ủy đã nhắn cho tất cả xã trong huyện tạo điều kiện cho các em đến trung tâm xã học. Hơn một tháng qua, có 6-7 sinh viên đến trụ sở các xã học online.

"Các em được xếp học trong phòng làm việc của cán bộ xã, phòng Đoàn thanh niên hay trung tâm học tập cộng đồng - nơi có sách và máy tính, rất tiện cho việc học tập. Có em sáng đi tối về. Có em ngủ luôn ở xã vì nhà xa mà về thì không có sóng điện thoại để học", anh Tuân nói.

Do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết đại học chuyển phương pháp dạy và học từ tập trung sang trực tuyến. Tùy vào từng trường, giảng viên sử dụng phần mềm khác nhau để giảng dạy. Cuối tháng 3, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn cho phép hiệu trưởng trường đại học quyết định công nhận kết quả tích lũy của sinh viên trong quá trình học trực tuyến. Tuy nhiên, việc tổ chức đánh giá kết thúc học phần chỉ được tiến hành khi thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần, đáp ứng đủ yêu cầu của chương trình đào tạo.  

Theo Thanh Hằng - Dương Tâm - Tú Anh/VnExpress

https://vnexpress.net/muon-kieu-hoc-online-cua-sinh-vien-4091237.html

  • Từ khóa

Nhiều vụ học sinh nghi ngộ độc: Mạnh tay hơn với hàng rong cổng trường

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm do ăn hàng rong trước cổng trường.
16:36 - 23/04/2024
244 lượt xem

Nhiều ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu 100% đến 400%

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nói một số trường đại học tuyển sinh bất chấp, tuyển vượt năng lực đào tạo.
13:50 - 23/04/2024
345 lượt xem

Sinh viên Anh muốn ra nước ngoài tìm việc làm

Khảo sát gần đây cho thấy cử nhân trong nước và quốc tế tại Anh đang gặp khó khăn về việc làm và muốn tìm kiếm cơ hội tương lai ở nước ngoài.
11:05 - 23/04/2024
421 lượt xem

Sinh viên chế robot phát hiện dòng chảy xa bờ

Nhóm sinh viên Nguyễn Duy Khang và Trần Viết Lân vừa chế tạo thành công robot phát hiện dòng chảy xa bờ nhằm ngăn ngừa tai nạn đuối nước khi tắm...
09:03 - 23/04/2024
489 lượt xem

Tư vấn tâm lý cho học sinh, sinh viên

Nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, những năm qua, công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được chú trọng, đẩy...
08:31 - 23/04/2024
472 lượt xem