11
/
80345
Vì sao trẻ không hạnh phúc ở trường?
vi-sao-tre-khong-hanh-phuc-o-truong
news

Vì sao trẻ không hạnh phúc ở trường?

Thứ 4, 09/10/2019 | 07:51:59
573 lượt xem

Ngày đầu vào lớp 1, con gái chị Hằng ở Hà Nội rất háo hức. Nhưng sau một tháng, cả mẹ và con chuyển sang trạng thái lo âu, áp lực.

Là nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Tâm lý học, chị Hằng kể khi con vào lớp 1, chị không tạo ra bất kỳ áp lực gì cho bản thân và cho con bằng cách không để con đi học thêm sớm như hầu hết đứa trẻ vào lớp 1 khác. Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo thông tin sẽ không đánh giá học sinh lớp 1 bằng điểm số mà chỉ nhận xét con "hoàn thành", "làm tốt" hay "cần cố gắng". Điều này càng khiến chị thích thú.

Các bé lớp 1 trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận 7, TP HCM, dự khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Các bé lớp 1 trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận 7, TP HCM, dự khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Mạnh Tùng

Thế nhưng sự háo hức trong chị giờ không còn, thay vào đó là nỗi lo. Theo chương trình, học sinh lớp 1 phải học hai chữ cái mỗi ngày. Khi học đến các chữ ghép như "gh", "th", "ch", các con cần nhiều thời gian hơn để ghi nhớ, nhưng mỗi ngày vẫn phải thuộc hai từ. Vì không đi học thêm, con chị Hằng viết và ghi nhớ chậm hơn các bạn. Con bị phê cần cố gắng, cô giáo nhắn tin về nhà báo con chậm và không nhớ bài. Chị Hằng trở nên áp lực, kèm cặp con chặt chẽ hơn khiến con cũng căng thẳng.

"Với một đứa trẻ mới cầm bút, việc ghi nhớ như vậy và việc được giao nhiều bài khiến chúng không thể hoàn thành. Tôi biết giáo viên cũng có gánh nặng khi phải hoàn thành chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra và rồi điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến cả phụ huynh và học sinh", chị Hằng nói và cho biết sau một tháng học tiểu học, con chị không còn vui vẻ như ngày đầu đến trường.

Một giáo viên cũng là phụ huynh có con học THCS nhận thấy rõ sự hạnh phúc ở trường của con giảm dần vì bị những yếu tố như điểm số và khối lượng bài tập về nhà quá lớn. Chị chắc chắn với cách giáo dục của Việt Nam hiện nay, việc thay đổi cách đánh giá và giao bài tập theo hướng giảm áp lực khó xảy ra. Vì vậy, chị mong muốn tìm ra những yếu tố khác giúp cải thiện chỉ số hạnh phúc của con ở trường.

Tại tọa đàm "Trường học hạnh phúc" do Viện Tâm lý và Tâm thần học Việt - Pháp tổ chức chiều 8/10 ở Hà Nội, giáo sư tâm lý trẻ em và giáo dục Agnes Florin đến từ Đại học Nantes (Pháp), bày tỏ đồng cảm trước chia sẻ của phụ huynh. Bà chỉ ra sáu nhóm yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc ở trường của trẻ, gồm: mối quan hệ bạn bè, các hoạt động học tập ở trường, lớp học, quan điểm về tiến trình đánh giá, mối quan hệ với giáo viên và cảm giác an toàn.

Theo một khảo sát đối với học sinh tiểu học và THCS ở Pháp, đa số hài lòng với lớp học, mối quan hệ với bạn bè và cảm giác an toàn khi ở trường. Tuy nhiên, ở một vài khía cạnh, học sinh đánh giá tiêu cực, tức là ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc của chúng. 

Ví dụ, 60% học sinh được khảo sát thấy có quá nhiều bài tập ở nhà, trong đó học sinh THCS thấy vấn đề này nhức nhối hơn. 57% cho rằng phải học quá nhiều ở trường. 58% chưa hài lòng và muốn giáo viên giải thích kỹ hơn ở những vấn đề khó. Học sinh rất sợ bị điểm kém, sợ giáo viên trao đổi với bố mẹ và sợ sai khi làm bài tập.

GS Agnes Florin chia sẻ tại toạ đàm Trường học hạnh phúc chiều 8/10. Ảnh: Dương Tâm

GS Agnes Florin chia sẻ tại tọa đàm "Trường học hạnh phúc" chiều 8/10. Ảnh: Dương Tâm

Một khảo sát được nghiên cứu sinh do bà Florin hướng dẫn thực hiện với mẫu là 295 học sinh ở tiểu học và THCS ở Hải Dương cho thấy đa số học sinh hạnh phúc trong các mối quan hệ với bạn bè, giáo viên; hài lòng với lớp học và các hoạt động trong trường. Tuy nhiên, có hai nhóm yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới chúng là cảm giác an toàn và quan điểm về đánh giá. Trong đó, 57% sợ bị lấy mất đồ dùng học tập và 66,8% sợ bị điểm kém.

Ngoài sáu nhóm yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc mà bà Florin chỉ ra ở trên, các nghiên cứu cũng cho thấy học sinh nữ không hạnh phúc bằng các em nam khi ở trường. Trẻ có cả bố và mẹ sẽ hài lòng với cuộc sống ở trường hơn là con của những bà mẹ đơn thân. Trẻ trong các trường công lập ít hạnh phúc hơn trẻ ở các trường tư thục.

Theo chuyên gia người Pháp, trẻ hài lòng ở trường sẽ có kết quả học tập tốt hơn, nâng cao năng lực để đương đầu với những thách thức ngoài xã hội. "Ngược lại, trẻ sẽ gặp những vấn đề như thành tích học, khả năng tương tác, sức khỏe tinh thần và thể chất kém, thường có những hành vi gây nguy cơ như lâm vào tình trạng nghiện ngập cái gì đó, dẫn tới bỏ học", bà Florin nói.

Để tăng chỉ số hạnh phúc của trẻ khi ở trường, bà Florin cho rằng cần có sự phối hợp từ cơ quan quản lý nhà nước đến các nhà trường, phụ huynh và cả học sinh. Chẳng hạn, nhiều phụ huynh nói rằng chương trình học ở Việt Nam nặng nề, số lượng giờ học nhiều, việc học thêm sau giờ ở trường là phổ biến và bài tập về nhà nhiều. Bà Florin cho rằng giáo viên và phụ huynh cần kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để thay đổi toàn diện về chương trình giáo dục.

Bà Florin khẳng định trẻ dù ở độ tuổi nào cũng cần thời gian giải trí, nghỉ ngơi và không một đứa trẻ nào có thể tập trung tuyệt đối quá 50 phút. Vì vậy, Bộ cần điều chỉnh bằng cách giảm thời lượng tiết học, có thời gian nghỉ giữa hai tiết hoặc có chương trình, hoạt động giúp học sinh giải trí xen kẽ các giờ học.

"Theo nghiên cứu của PISA, giờ học ở trường không liên quan quá nhiều đến kết quả học tập. Những nước có thành tích học tập tốt thì số giờ học lại ít. Vậy tại sao không cố gắng giảm bớt giờ học cho học sinh", bà Florin nói.

Theo Dương Tâm/VnExpress

  • Từ khóa

Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.
09:31 - 18/04/2024
358 lượt xem

Tuyển sinh lớp 10: 'Cân não' lựa chọn nguyện vọng

Ngày 19.4 là thời điểm đồng loạt học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học tới. Việc 'cân não' để lựa chọn...
07:47 - 18/04/2024
403 lượt xem

Kiên trì con đường đổi mới

Sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên (KHTN) trong Chương trình GDPT 2018 được xem là một điểm sáng.
15:21 - 17/04/2024
811 lượt xem

Quá tải tuyển sinh đầu cấp, nội thành Hà Nội vẫn "khát" học sinh

Học sinh đầu cấp của Hà Nội tăng từ vài ngàn đến vài chục ngàn mỗi năm nhưng một số quận nội thành rơi vào tình trạng thiếu người học nếu tuyển sinh đúng...
14:55 - 17/04/2024
844 lượt xem

Thi đánh giá năng lực: Có điểm rồi, sử dụng ra sao?

Hiện có 105 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Năm nay các trường sẽ xét tuyển...
11:06 - 17/04/2024
897 lượt xem