11
/
68870
Xúc động lời ân hận của giáo viên từng trừng phạt khi học sinh mắc lỗi
xuc-dong-loi-an-han-cua-giao-vien-tung-trung-phat-khi-hoc-sinh-mac-loi
news

Xúc động lời ân hận của giáo viên từng trừng phạt khi học sinh mắc lỗi

Thứ 6, 04/01/2019 | 14:44:54
830 lượt xem

Những lời gan ruột của cô giáo Lê Thị Nếp về nghề giáo, về những vui buồn sau hơn 20 năm theo nghiệp “đưa đò” đã khiến cả giáo viên và phụ huynh rơi nước mắt. Lao Động xin ghi lại những lời tâm sự của cô, để mỗi phụ huynh hiểu hơn về những áp lực, sự vất vả của những giáo viên đang dạy lớp 1 và mỗi thầy cô có thể thay đổi.

Cô Lê Thị Nếp (giáo viên tiểu học ở Thái Bình) chia sẻ về hành trình thay đổi của mình trong chương trình Gala "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" trên kênh VTV7.

Cô Lê Thị Nếp (giáo viên tiểu học ở Thái Bình) chia sẻ về hành trình thay đổi của mình trong chương trình Gala "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" trên kênh VTV7.

Có những lúc tôi cảm thấy ức chế vô cùng

Tôi sinh ra và lớn lên trong môi trường giáo dục truyền thống. Mẹ tôi là giáo viên dạy lớp 1. Bà cũng là người trực tiếp dạy tôi trong năm đầu đi học. Phải nói rằng, đó là quãng thời gian tôi “ăn đòn” rất nhiều.

Điều đó làm tôi thấy sợ hãi và luôn phải nỗ lực học trong nỗi ám ảnh. Tất nhiên khi nhìn lại, tôi cũng phải thầm cảm ơn những trận đòn roi giúp tôi trưởng thành.

Khi trở thành cô giáo, tôi được phân công giảng dạy học trò lớp 1. Tôi tin rằng khi hỏi giáo viên tiểu học ai muốn xuống khối 1 dạy chắc chắn sẽ không có cánh tay nào giơ lên.

Tôi nói như thế không phải để biện minh cho những ứng xử của mình trước đây. Nhưng thực sự có những lúc tôi cảm thấy ức chế vô cùng.

Video: Le-Thi-Nep-1.mp4

Nguồn clip VTV7

Vì vậy, tôi chọn cách giống như mẹ tôi là đi theo con đường kỷ luật rất mạnh. Tôi tin rằng những điều ấy sẽ khiến học trò thấy sợ mà học. Và mỗi khi bước vào tiết dạy, tôi đã trở một người cảnh sát hay công an đầy thị uy.

Nhưng mặc cho tôi gào thét khàn cả cổ, các em vẫn thản nhiên nô đùa. Nhiều lần ức chế không thể chịu được tôi phải quát nạt, thậm chí đe dọa học trò như: “Cô sẽ nhốt con vào chuồng chó” hay “Cô sẽ nhốt con ở lại lớp học”.

Có vẻ như những lời nói này dễ phát huy tác dụng với trẻ nhỏ. Mặc dù dùng xong, khi trở về nhà tôi cũng cảm thấy ân hận và xấu hổ. Nhưng đến hôm sau, khi không thể kìm chế được mình, tôi lại tiếp tục sử dụng hành động và lời lẽ như thế.

Tôi còn nhớ mãi trong một tiết dạy Toán, khi tôi đang say sưa giảng bài, học trò vẫn say sưa nói chuyện. Không kiềm chế được mình, tôi cầm thước đập thật mạnh xuống bàn.

Một em học sinh ngồi dưới đã nói một câu khiến tôi nhớ mãi: “Con điên”. Tôi bực lắm nhưng vẫn cố lờ đi. Nhưng trớ trêu là cậu học trò ngồi kế bên đứng lên thưa cô rằng: “Bạn này nói cô là con điên ạ!”.

Tôi bắt cô bé kia phải đứng lên giải thích. Tôi nhớ nét mặt sợ sệt của em. Em giải thích rằng: “Môi cô ở bên trong còn răng cô ở bên ngoài trông như con điên ạ!”.

Nghe học trò giải thích tôi không thể nói thêm được câu nào nữa. Tôi ra ngoài hành lang đứng và trong lòng trỗi dậy một sự xót xa. Chẳng lẽ mình lại kinh khủng đến thế?...

Người ta vẫn nói “bạo hành sẽ sinh ra bạo hành”. Học trò chưa ngoan là lỗi ở cô giáo và mình phải nhìn nhận để thay đổi theo hướng tích cực.

Hành trình thay đổi

Từ lần đó, tôi học cách cởi bỏ mọi ức chế đang mang để lên lớp. Tôi luôn khiến mình vào tiết với tâm thế tuyệt vời nhất. Thay vì liên tục giảng bài khi vừa vào lớp, tôi tập quan sát và hỏi thăm cô học trò này hôm nay có chuyện gì buồn vui.

  Cô Lê Thị Nếp bên học sinh của mình.

Bên cạnh đó, để khiến học trò hồ hởi khi đến trường, tôi cũng luyện cho mình phong thái nhí nhảnh, thậm chí “hơi điên điên, khùng khùng”. Tôi thường sẽ hát cho học sinh nghe hay kể một câu chuyện hấp dẫn. Đến lúc cao trào, tôi thường gián đoạn bằng cách nói: “Chúng ta tiếp tục bài học nhé. Nếu các con ngoan cuối giờ cô sẽ kể tiếp phần cuối”. Nhờ vậy học trò rất hăng say và vui vẻ.

Tất nhiên có những đối tượng rất nghịch và cá tính, tôi vẫn phải áp dụng kỷ luật nhưng là kỷ luật tích cực để không làm ảnh hưởng đến tâm hồn của các con như phạt đứng suy nghĩ về hành vi hay dọn vệ sinh tại chỗ…

Giờ đây, lớp của tôi đầy ắp tiếng cười. Những em học sinh học kém đã được tôi dìu dắt từng bước. Tôi trân trọng những bước tiến của các em mỗi ngày dù là rất nhỏ.

Tâm tôi cảm thấy an và học trò cũng thấy thoải mái. Tôi để mọi ưu phiền bên ngoài cửa lớp. Tôi hi vọng khi mình đến bên các em với cái tâm của người thầy, thì học trò sẽ cảm thấy hạnh phúc”.

Theo Bích Hà/Lao động (Ghi) 

  • Từ khóa

Cạnh tranh vào lớp 10 sẽ rất gay gắt

Năm học 2024-2025, 113 trường THPT công lập tại TP HCM tuyển hơn 71.000 học sinh lớp 10, so với năm học trước giảm gần 5.700 chỉ tiêu
15:57 - 19/04/2024
194 lượt xem

Hành trình 417 lần ứng tuyển việc làm thất bại của nữ sinh Việt ở Hà Lan

Nguyễn Lê Vy sinh năm 1996, hiện làm việc tại Hà Lan. Vy đã trải qua hành trình đầy gian nan để tìm được việc làm sau 417 lần ứng tuyển không thành...
11:35 - 19/04/2024
303 lượt xem

Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Trong tương lai gần, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn sẽ tăng đột biến, tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực ngành này còn rời rạc và chưa đồng bộ.
09:41 - 19/04/2024
347 lượt xem

Hoa hậu bị đuổi học hay "cơn khát" thi nhan sắc của nữ sinh

Không còn cá biệt, đã không ít trường hợp nữ sinh viên đại học thi nhan sắc, giành danh hiệu rồi bị đuổi học. Phía sau đó, còn là "cơn khát" thành hoa...
07:35 - 19/04/2024
400 lượt xem

Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.
09:31 - 18/04/2024
917 lượt xem