11
/
64754
Vì đâu cả nước thiếu 76.000 giáo viên?
vi-dau-ca-nuoc-thieu-76-000-giao-vien
news

Vì đâu cả nước thiếu 76.000 giáo viên?

Thứ 4, 29/08/2018 | 09:48:37
655 lượt xem

Thống kê chưa đầy đủ từ 43 tỉnh - thành cho thấy trước thềm năm học mới, các trường học đang thiếu gần 76.000 giáo viên, đặc biệt bậc mầm non thiếu đến 40.000 người

Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tại 43 tỉnh - thành, các trường học hiện đang thiếu gần 76.000 giáo viên (GV).

Thừa - thiếu cục bộ khắp nơi

Nói về bậc mầm non, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho hay tính đến ngày 15-8, cả nước có gần 310.000 GV mầm non và nếu so với định mức mà Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ đã thống nhất thì số GV mầm non còn thiếu là khoảng 40.000 người.

Theo bà Nghĩa, GV mầm non thiếu ở rất nhiều địa phương, đặc biệt ở tỉnh Điện Biên hay khu vực ĐBSCL còn thiếu GV trầm trọng hơn. Thống kê cho thấy chỉ riêng tại Hà Tĩnh, GV mầm non còn thiếu lên đến 800 người, khoảng 1.200 trẻ không được nhập học vì thiếu GV cũng như trường lớp.

Vì đâu cả nước thiếu 76.000 giáo viên? - Ảnh 1.

Giáo viên tại TP HCM hướng dẫn học sinh chuẩn bị sách vở cho năm học mới Ảnh: TẤN THẠNH

Ở bậc tiểu học, số GV còn thiếu gần 19.000 người. Trong khi đó ở bậc THCS và THPT xảy ra tình trạng thừa thiếu cục bộ. THCS thiếu 10.000 người nhưng cũng lại thừa 12.000 người, còn bậc THPT thì thiếu trên 3.000 GV. Bộ GD-ĐT nhận định đội ngũ GV đang thừa nơi này nhưng lại thiếu nơi khác, thừa môn này nhưng lại thiếu môn khác. Tình trạng thừa thiếu cục bộ xảy ra ngay trong quy mô nhà trường, trong một huyện và giữa các huyện trong một tỉnh.

Lý giải tình trạng thừa - thiếu GV, đặc biệt là GV mầm non, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, GV tăng nhưng không theo kịp tốc độ tăng của trẻ, đặc biệt là các khu đô thị, KCN, KCX. Thêm vào đó, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhiều địa phương phản ánh từ năm 2015 đến nay, họ không được giao chỉ tiêu biên chế, dẫn đến thiếu GV các cấp học. Thứ ba, theo bà Nghĩa, công tác quy hoạch, dự báo ở các địa phương hạn chế dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ GV. Thừa ở THCS, THPT, thiếu ở mầm non, tiểu học.

Vì thiếu - thừa như vậy nên ở cấp mầm non rất thiếu GV nhưng không có chỉ tiêu tuyển dụng, dẫn đến tình trạng thiếu GV từ năm này sang năm khác không được khắc phục. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng số lượng GV thừa - thiếu cũng như quy mô học sinh từng cấp học là những con số có thể tổng hợp, thống kê từ trước nhưng một số địa phương đã không chủ động xử lý nên đã dẫn đến tình trạng nơi thừa, nơi lại thiếu.

Một mình bộ không làm nổi!

"Giải quyết tình trạng thiếu - thừa GV, một mình Bộ GD-ĐT khó có thể làm nổi do thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành giáo dục (GV, nhân viên trong và ngoài biên chế) thuộc UBND các cấp và ngành nội vụ" - bà Nghĩa cho biết. Thứ trưởng thông tin thêm Bộ GD-ĐT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục sắp xếp rà soát mạng lưới trường lớp theo hướng giảm điểm lẻ, tăng quy mô các trường để tiết kiệm định mức đầu tư cũng như biên chế.

"Chúng tôi đề nghị các địa phương điều tiết GV từ nơi thừa sang nơi thiếu, từ cấp học thừa sang cấp học thiếu để khắc phục tình trạng có học sinh mà không có GV. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nhà đầu tư để giảm tải cho trường công" - bà Nghĩa nói.

Thông tin thêm về nội dung này, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho hay quan điểm của Bộ GD-ĐT là không để các huyện tự xử lý nội bộ vấn đề biên chế GV vì như vậy rất khó giải quyết liên huyện hoặc trong một tỉnh. Tình trạng thừa - thiếu mang tính cục bộ nên có thể điều chuyển GV từ huyện này sang huyện khác ở chung một cấp học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ - ngành trong đó có bộ GD-ĐT điều chỉnh biên chế phù hợp với việc tăng dân số cơ học. Hiện Bộ Nội vụ và Bộ GD-ĐT đang phối hợp yêu cầu các địa phương tổng hợp rà soát về dân số từ 2015-2018, số lượng học sinh, số lượng GV cả biên chế và hợp đồng và trên cơ sở đó, tỉnh cân đối về biên chế và báo cáo về Bộ Nội vụ để bộ này báo cáo Thủ tướng.

"Để đáp ứng nhiệm vụ của năm học mới, Bộ GD-ĐT cũng đã tham mưu cho Chính phủ về chính sách đối với GV. Theo đó, đối với những địa phương thiếu định mức GV theo quy định thì đề nghị cho phép được ký hợp đồng có thời hạn ở những vùng quá thiếu GV" - bà Nghĩa nói. 

Bạo hành trẻ cũng là hậu quả của thiếu GV

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng không thể thực hiện việc tinh giản biên chế GV, đặc biệt là GV mầm non, một cách cơ học bởi GV trên lớp phải theo định mức quy định, nếu không sẽ dẫn đến những hệ lụy khó tránh khỏi như không an toàn cho trẻ. Nhiều trường hợp GV bạo hành trẻ, việc này cực kỳ đáng lên án nhưng phần nào đó thì đó là hậu quả của việc thiếu GV mầm non do cường độ, áp lực làm việc của GV mầm non quá lớn.


Theo Yến Anh/NLĐO
  • Từ khóa

Diễn biến kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây

Thống kê kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho thấy:
11:31 - 29/03/2024
95 lượt xem

Singapore trả tiền cho người lao động học về AI

Trong công bố ngân sách năm 2024, Singapore sẽ nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho những người trên 40 tuổi.
09:26 - 29/03/2024
145 lượt xem

Trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024 là năm cuối ngành Giáo dục thực hiện dạy học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Hiện nay, các trường trung học phổ thông...
07:39 - 29/03/2024
163 lượt xem

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác giáo dục Việt Nam và Angola

Sáng 27/3 (theo giờ địa phương), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đến chào xã giao Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Angola Américo António Cuononoca.
16:13 - 28/03/2024
572 lượt xem

Nhiều trường bỏ quy định đuổi học sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần

Nhiều trường đại học đã bỏ quy định xử lý sinh viên dựa vào số lần vi phạm về hoạt động mại dâm.
15:18 - 28/03/2024
588 lượt xem