11
/
61635
Thi THPT Quốc gia 2018: Thí sinh lo đề khó, bố mẹ lo con ốm
thi-thpt-quoc-gia-2018-thi-sinh-lo-de-kho-bo-me-lo-con-om
news

Thi THPT Quốc gia 2018: Thí sinh lo đề khó, bố mẹ lo con ốm

Thứ 4, 30/05/2018 | 07:30:53
435 lượt xem

Còn chưa đầy 1 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra. Hiện tại, các sĩ tử đang gấp rút ôn tập, phụ huynh cũng chung sức nóng mùa thi với con.

Gần 3 tháng nay, lịch học của Phương Chi (THPT Nam Sách, Hải Dương) đều như vắt chanh, học ôn cả ngày tại trường, trung tâm luyện thi, tối về lại tiếp tục ôn bài tới khuya. Nữ sinh hài hước cho rằng, tháng cuối là thời gian hiệu quả nhất với những ai muốn giảm cân mà không cần ăn kiêng hay tập luyện.

Ôn thi miệt mài là thế, nhưng Chi vẫn cảm thấy kiến thức vẫn chưa thực sự đủ để em tự tin trước lần “vượt vũ môn” quan trọng trong đời.

thi thpt quoc gia 2018 thi sinh lo de kho bo me lo con om hinh 1

Các sĩ tử lo lắng về mức độ khó, điểm trúng tuyển vào các trường CĐ, ĐH năm nay.

Trong đó, nữ sinh tỏ ra bối rối khi kỳ thi năm nay sẽ có thêm khoảng 30% kiến thức lớp 11 và một số môn tự nhiên sẽ có thêm cả câu hỏi về phần thí nghiệm, thực hành. “Có thêm kiến thức lớp 11 đồng nghĩa với việc chúng em phải học nhiều hơn. Hơn nữa, cũng không biết câu hỏi thi sẽ rơi vào phần nào, nên em đều phải học hết, không dám bỏ sót. Còn phần thí nghiệm vốn không mấy chú ý, nên khi biết tin sẽ có trong đề thi, em khá hoang mang”.

Vốn không có thế mạnh về môn Ngữ văn, nên Chi rất lo lắng. Còn 1 tháng cuối, em dành thời gian để đọc lại các tác phẩm văn học và có cảm giác như mình bị “tẩu hỏa nhập ma”.

Dù cố giữ tâm lý ổn định, song nữ sinh cũng “sợ làm bố mẹ thất vọng và chưa biết làm gì nếu như không đỗ đại học năm nay".

Cùng chung tâm trạng, Trần Ngọc Diệp, (12D8, THPT Trần Phú, Hà Nội) cũng đang gấp rút ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018.

Chọn khi khối D, đăng ký 7 nguyện vọng, trong đó tập trung vào các trường như ĐH Thương Mại, Kinh tế quốc dân, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Diệp lo lắng vì điểm trúng tuyển những trường này năm trước khá cao, thậm chí cao hơn nhiều so với mức điểm thi thử lần gần nhất. Thêm vào đó, đề thi thử mà Bộ công bố trước đó cũng được nữ sinh nhận xét là khó hơn nhiều so với những năm trước.

Ngọc Diệp cho biết, lịch học của em trong tháng cuối đều kín mít từ sáng đến tối, hết học thêm tại các “lò” luyện thi với sĩ số đến gần trăm học sinh mỗi lớp, tối về nhà lại dành thời gian ôn luyện đề cho nhuần nhuyễn.

Nữ sinh cho rằng, thời gian không còn nhiều, nên thay vì học nhiều kiến thức nâng cao để chinh phục những câu khó, em tập trung nhiều hơn vào kiến thức cơ bản để “ăn chắc” điểm.

“Không biết đề năm nay khó hay dễ hơn năm ngoái. Em hy vọng đề thi không quá khó, mang tính đánh đố học sinh, nhưng cũng k quá dễ khiến điểm thi quá cao, dẫn đến tình trạng 10 điểm/môn vẫn trượt như năm trước”, Diệp chia sẻ.

Đăng ký nguyện vọng 1 vào trường ĐH Kiến trúc với khối thi H và các nguyện vọng khác vào các trường khối A, A1, ngoài 6 môn thi để xét tốt nghiệp và đại học, Nguyễn Trần Phúc Dương, (12D0, THPT Việt Đức, Hà Nội) còn phải ôn luyện thêm 2 môn năng khiếu.

“Kết quả thi thử gần nhất của em không cao lắm, nhưng những trường em đăng ký lại lấy điểm khá cao nên em cảm thấy căng thẳng và lo lắng. Dù vậy, thời điểm này em cũng luôn cố gắng ôn đến đâu chắc đến đó, quan trọng là giữ tâm lý bình tĩnh, tránh hoang mang và đảm bảo sức khỏe để thi trong tháng tới”.

Cùng con chạy đua

Những ngày nay, khi kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần, không chỉ các sĩ tử sôi sục trong sức nóng của mùa thi, mà phụ huynh cũng căng thẳng không kém.

Cùng con chạy đua những ngày nước rút cuối cùng, chị Hoàng Minh Yến, (Ngô Quyền, Hải Dương) chia sẻ, mỗi lần có con thi “vượt cấp” là cả nhà lại như cùng ra trận. Cách đây 5 năm, khi con gái đầu chị thi vào đại học, nỗi lo cũng theo vợ chồng chị suốt từ đầu năm học đến tận khi có điểm trúng tuyển.

“Ngày ấy các cháu không được đăng ký nhiều nguyên vọng như bây giờ, nên nguyên việc “cân não” để chọn trường thôi đã khổ sở. Đến khi đi thi, bố mẹ phải đưa lên Hà Nội để tìm nhà trọ, lo chỗ ăn chỗ ở giữa thời tiết nắng nóng mới thực sự vất vả. Nay kỳ thi đã có nhiều thay đổi, cũng giảm áp lực hơn, nhưng những ngày này phụ huynh vẫn lo lắng, thấp thỏm đủ thứ. Không chỉ lo con có thi đỗ hay không, mà còn lo con học nhiều quá dễ ốm, ảnh hưởng đến sức khỏe trong thời tiết nắng nóng”.

Chị Yến chia sẻ, thời gian này, chị không nỡ để con đụng tay vào bất cứ việc gì như nấu cơm, giặt giũ quần áo, mà tạo cho con toàn lực để ôn thi. Ngoài ra, chị cũng chăm chỉ lên các trang mạng, tìm hiểu các chế độ dinh dưỡng để giúp con tăng cường trí nhớ, khỏe mạnh mùa thi.

Giống như chị Yến, chị Thu Hằng, (Đống Đa, Hà Nội) cũng bỏ bớt việc để cùng con ôn thi. Làm công việc kinh doanh tự do, thay vì ở cửa hàng đến 10h tối như những tháng trước, gần đây, chị Hằng thuê thêm nhân viên để về nhà sớm từ chiều tối chuẩn bị cơm nước, chăm sóc cho con trai chuẩn bị thi THPT quốc gia.

“Cả gia đình đều đang dồn sự quan tâm chăm sóc để con yên tâm ôn tập, thi tốt. Chỉ mong kỳ thi qua nhanh để các con đỡ vất vả”, chị Hằng tâm sự.

Chị Thu Hằng cho biết thêm, từ khi con lên lớp 12, ngày nào chị cũng vào mạng đọc tin tức về giáo dục để cập nhật những điểm mới của kỳ thi, mức độ khó dễ của các đề thi thử, mong đồng hành tốt hơn cùng con trong lần “vượt vũ môn” này.  “Con đi thi, mẹ cũng thi cùng. Tuy nhiên mình không tạo áp lực cho con. Luôn động viên con rằng cố gắng hết sức, còn kết quả đến đâu hay đến đó”.

Theo công bố của Bộ GD-ĐT, năm nay, cả nước có gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 237.000 chỉ xét tốt nghiệp THPT; hơn 688.000 thi để xét tuyển đại học và cao đẳng. Kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 25/6-27/6. Mỗi tỉnh thành sẽ có một cụm thi do Sở Giáo dục chủ trì, phối hợp với các đại học./.

Theo Nguyễn Trang/VOV.VN

  • Từ khóa

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…
10:46 - 20/04/2024
178 lượt xem

Cạnh tranh vào lớp 10 sẽ rất gay gắt

Năm học 2024-2025, 113 trường THPT công lập tại TP HCM tuyển hơn 71.000 học sinh lớp 10, so với năm học trước giảm gần 5.700 chỉ tiêu
15:57 - 19/04/2024
682 lượt xem

Hành trình 417 lần ứng tuyển việc làm thất bại của nữ sinh Việt ở Hà Lan

Nguyễn Lê Vy sinh năm 1996, hiện làm việc tại Hà Lan. Vy đã trải qua hành trình đầy gian nan để tìm được việc làm sau 417 lần ứng tuyển không thành...
11:35 - 19/04/2024
803 lượt xem

Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Trong tương lai gần, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn sẽ tăng đột biến, tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực ngành này còn rời rạc và chưa đồng bộ.
09:41 - 19/04/2024
831 lượt xem

Hoa hậu bị đuổi học hay "cơn khát" thi nhan sắc của nữ sinh

Không còn cá biệt, đã không ít trường hợp nữ sinh viên đại học thi nhan sắc, giành danh hiệu rồi bị đuổi học. Phía sau đó, còn là "cơn khát" thành hoa...
07:35 - 19/04/2024
880 lượt xem