11
/
105921
Đẩy mạnh dạy học trực tuyến: Cơ hội để tiết giảm các chi phí xã hội
day-manh-day-hoc-truc-tuyen-co-hoi-de-tiet-giam-cac-chi-phi-xa-hoi
news

Đẩy mạnh dạy học trực tuyến: Cơ hội để tiết giảm các chi phí xã hội

Thứ 6, 05/03/2021 | 09:58:31
1,138 lượt xem

Từ một giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh, sinh viên phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, dạy học trực tuyến đã giúp thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục. Trong tương lai, nếu tiếp tục tận dụng lợi thế của phương thức dạy học này thì sẽ tạo ra ý nghĩa xã hội rất lớn, như giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, giảm ngân sách nhà nước cho cơ sở vật chất nhà trường. Người học cũng dễ dàng tiếp cận các nguồn tài nguyên để tiến hành học tập mọi lúc, mọi nơi.

Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang duy trì hình thức dạy học trực tuyến cùng với dạy học trực tiếp để tăng cơ hội học tập của học sinh. Ảnh: Minh Ánh

Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn đang duy trì hình thức dạy học trực tuyến cùng với dạy học trực tiếp để tăng cơ hội học tập của học sinh. Ảnh: Minh Ánh

Từ “sợ” chuyển sang “mê” dạy - học trực tuyến

Thức đến 3h sáng để soạn bài phục vụ việc dạy học trực tuyến; khắp bàn làm việc là chi chít những tờ giấy note (ghi chú) các cách để sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ học trực tuyến như Zoom, Microsoft Teams. Hết mày mò tự học lại đến học của con, của cháu, của học trò... Đây là những cách mà thầy Trương Đắc Cốc - giáo viên Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức, Hà Nội) sử dụng để làm bài giảng trực tuyến của mình thêm sinh động trong những ngày thầy và trò của nhà trường phải tạm dừng đến trường để phòng dịch.

Đã ngoài 60 tuổi, với 38 năm đứng lớp, quá quen thuộc môi trường dạy học với bảng đen phấn trắng, thầy Cốc thừa nhận khi toàn ngành giáo dục chuyển sang dạy học trực tuyến, nỗ lực thực hiện quyết tâm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, thầy gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với phương thức dạy học mới.

“Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của tôi không bằng các bạn trẻ, nếu không muốn nói là chẳng có gì ngoài sự quyết tâm. Khó khăn, vất vả rất nhiều nhưng tôi không bỏ cuộc. Chỗ nào không biết thì nhờ con, nhờ cháu dạy, rồi tự lên mạng mày mò, tìm hiểu. Tất cả vì học sinh thân yêu.

Đến hiện tại, khi đã trải qua “mùa COVID-19 thứ nhất” trong năm học 2019-2020, rồi “mùa COVID-19 thứ hai” trong năm học 2020-2021, từ con số không, nay thầy Cốc đã “giắt lưng” cho mình kha khá kinh nghiệm về dạy học trực tuyến để tự tin khẳng định: “Bây giờ thích dạy online hơn vì nhàn hơn”.

Là một trong những nhà giáo tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học, nhưng cô Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La - cũng phải thừa nhận, nếu không có những người như thầy Cốc, với năng lượng tích cực, luôn truyền cảm hứng, sự quyết tâm thực hiện dạy học trực tuyến đến các thế hệ thầy cô giáo và học trò, thì nhà trường khó có thể thực hiện dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao như thời gian qua.

“Qua hai đợt dạy học trực tuyến để phòng dịch, điều tôi thấy hạnh phúc nhất là trình độ công nghệ thông tin của giáo viên và học sinh nhà trường nâng lên rõ rệt. Dạy học trực tuyến bằng Microsoft Teams cũng giúp giáo viên có thể ghi âm, quay lại bài giảng. Đây sẽ là kho học liệu để giúp học sinh có thể chủ động học tập mọi lúc, mọi nơi” - cô Dung nói.

Nhận ra những điều tích cực mà dạy học trực tuyến mang lại, để nó không chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh học sinh phải nghỉ học để phòng dịch COVID-19, ngay khi học sinh trở lại trường từ 2.3, Trường THCS Đông La vẫn duy trì song song hình thức dạy học này cùng việc dạy trực tiếp trên lớp. Giáo viên, học sinh lập các nhóm trên Teams để trao đổi, học nhóm với nhau.

Những bài tập trên lớp học sinh chưa hiểu, thì tối đến có thể vào “lớp học ảo” để nhờ cô giảng lại, hay bạn bè chỉ dẫn. Đặc biệt, nhà trường cũng duy trì việc dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh giỏi, hay học sinh yếu kém bằng hình dạy học trực tuyến. Điều này giúp giáo viên tiết kiệm thời gian đến trường.

Trong tương lai, cô Dung cho biết sẽ tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học cho từng môn học theo hướng nội dung nào có thể dạy online, bài học nào có thể dạy trực tiếp trên lớp để sử dụng song song hai phương thức dạy học này trong điều kiện bình thường.

Học trực tuyến giúp tiết giảm các chi phí xã hội

Thừa nhận dạy học trực tuyến khó đạt hiệu quả như dạy học trực tiếp, nhưng theo nhiều giáo viên, cái lợi mang lại là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong dạy học được sử dụng nhiều hơn. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mà chuyển đổi số trong giáo dục được xác định là khâu đột phá.

Giáo dục tiên phong trong chuyển đổi số sẽ đào tạo nên những thế hệ công dân làm chủ công nghệ, thích ứng với tình hình mới, góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội hội nhập quốc tế.

Là một trong những trường sớm triển khai dạy học trực tuyến cho sinh viên, TS Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) vẫn không quên những ngày đầu khi sinh viên còn... sợ học online.

Các em tạo ra một phong trào phản đối trên Facebook, vì muốn tới trường để gặp bạn bè. Theo nguyện vọng của sinh viên, trường đã phải thực hiện xen kẽ việc học trực tuyến và trực tiếp. Sang đến năm học 2020-2021, tình thế đã đảo chiều, sinh viên đề nghị nhà trường được học online vì thấy hiệu quả và tiện lợi.

Nguyễn Huyền Trang (sinh viên lớp Thẩm định giá K59, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, bản thân em, trong những ngày đầu cũng nằm trong nhóm phản đối không muốn học online, nhưng sau khi được trải nghiệm và dần làm quen, từ việc “sợ”, Trang đã chuyển sang “mê” lúc nào không biết.

“Khi học online, chúng em không phải di chuyển nhiều, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Nhiều môn lý thuyết khô khan, nhưng thầy cô thường sử dụng thông tin đồ họa, nêu dẫn chứng, thậm chí là các clip sinh động, khiến chúng em rất thích thú. Tiện nhất là có thể xem lại bài giảng nhiều lần” - Huyền Trang chia sẻ.

Tương tự, Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh viên năm 3, khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng mong từ 8.3, khi các trường đại học cho sinh viên đến trường trở lại, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì, kết hợp cả học trực tuyến và học trực tiếp, để sinh viên được giảm số buổi học trên lớp.

“Dĩ nhiên, dạy học trực tuyến có những hạn chế, khi thầy trò ít cơ hội được tương tác, cơ hội học tập khó đến được với mọi đối tượng học sinh vì phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của mỗi địa phương, mỗi nhà trường và của từng gia đình. Nhưng sau 2 năm học được trải nghiệm với dạy học trực tuyến, em thấy thích phương thức học này.

Đồng tình việc nên duy trì song song 2 phương thức dạy trực tuyến và trực tiếp trong điều kiện bình thường, PGS-TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh - cho rằng, điều này có thể khả thi và triển khai được trong thực tế. Các trường có thể thiết kế 20% chương trình học online, nếu thực hiện được như vậy thì đã giảm lượng lớn học sinh, sinh viên ra đường. Học sinh không đi học ở trường thì phụ huynh cũng không phải ra đường để đưa đón, qua đó có thể giảm ùn tắc giao thông.

Nhưng PGS Hải lưu ý, trước tiên việc dạy học trực tuyến nên áp dụng với bậc đại học và THPT trước. Đặc biệt, chỉ nên áp dụng ở những nơi có điều kiện, nơi cả người học và người dạy đã có những chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện phương thức dạy học mới. Không nên thực hiện theo kiểu hô hào, phong trào, vừa không hiệu quả mà còn tạo áp lực lên người dạy và người học.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho dạy học trực tuyến

Tính đến 5.3, 61 địa phương trên cả nước đã cho học sinh trở lại trường. Nhiều trường đại học cũng dự kiến tổ chức cho sinh viên đi học từ tuần tới, trong đó không ít trường vẫn duy trì học trực tuyến song song với dạy trực tiếp trên lớp.

Từ thực tiễn dạy học trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp đã đặt ra yêu cầu phải có hành lang pháp lý tạo thuận lợi cho các trường chuẩn bị sẵn sàng triển khai phương thức dạy học này trong tình thế cần thiết. Để thực hiện điều này, Bộ GDĐT cũng đã công bố dự thảo thông tư quy định quản lý dạy học trực tuyến trong trường phổ thông, công nhận dạy học trực tuyến là phương thức được sử dụng chính thức trong nhà trường, bên cạnh các hình thức dạy học truyền thống khác.

Dự kiến, thông tư này sẽ sớm được ban hành để các cơ sở giáo dục có căn cứ pháp lý sử dụng đa dạng phương thức dạy học trong nhà trường, đồng thời đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, việc dạy học trực tuyến áp dụng ở Việt Nam xuất phát là giải pháp tình thế nhưng với những ưu điểm vượt trội đã được nghiên cứu, đánh giá, Bộ GDĐT tính toán để biến nó thành giải pháp lâu dài, vừa bổ trợ dạy học trực tiếp, trong trường hợp cụ thể thì có thể thay thế trực tiếp. Đặng Chung


Theo Đặng Chung/Lao động

https://laodong.vn/giao-duc/day-manh-day-hoc-truc-tuyen-co-hoi-de-tiet-giam-cac-chi-phi-xa-hoi-885857.ldo

  • Từ khóa

Cạnh tranh vào lớp 10 sẽ rất gay gắt

Năm học 2024-2025, 113 trường THPT công lập tại TP HCM tuyển hơn 71.000 học sinh lớp 10, so với năm học trước giảm gần 5.700 chỉ tiêu
15:57 - 19/04/2024
282 lượt xem

Hành trình 417 lần ứng tuyển việc làm thất bại của nữ sinh Việt ở Hà Lan

Nguyễn Lê Vy sinh năm 1996, hiện làm việc tại Hà Lan. Vy đã trải qua hành trình đầy gian nan để tìm được việc làm sau 417 lần ứng tuyển không thành...
11:35 - 19/04/2024
403 lượt xem

Điểm yếu trong đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Trong tương lai gần, nhu cầu về nhân lực ngành bán dẫn sẽ tăng đột biến, tuy nhiên công tác đào tạo nhân lực ngành này còn rời rạc và chưa đồng bộ.
09:41 - 19/04/2024
439 lượt xem

Hoa hậu bị đuổi học hay "cơn khát" thi nhan sắc của nữ sinh

Không còn cá biệt, đã không ít trường hợp nữ sinh viên đại học thi nhan sắc, giành danh hiệu rồi bị đuổi học. Phía sau đó, còn là "cơn khát" thành hoa...
07:35 - 19/04/2024
487 lượt xem

Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.
09:31 - 18/04/2024
1,008 lượt xem