11
/
104066
Giáo dục phổ thông mới - mở đường cho phát triển phẩm chất và năng lực
giao-duc-pho-thong-moi-mo-duong-cho-phat-trien-pham-chat-va-nang-luc
news

Giáo dục phổ thông mới - mở đường cho phát triển phẩm chất và năng lực

Thứ 7, 23/01/2021 | 19:24:31
738 lượt xem

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng một cách bài bản, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học.

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

(Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN)

Trên tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục-đào tạo và triển khai Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, bắt đầu từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) đã được thực hiện đối với lớp 1.

Đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, tiệm cận chuẩn quốc tế.

Song, việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học là công việc khó khăn, thách thức, cần sự kiên trì, kiên định để hoàn thành mục tiêu đảm bảo nền giáo dục chất lượng, công bằng và toàn diện.

Bước chuyển mới trong công tác dạy và học

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng một cách bài bản, theo một quy trình chặt chẽ, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học.

Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh nhằm khắc phục những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung như hiện hành. Nội dung giáo dục thiết thực hơn, giảm tính hàn lâm, tăng tính thực tế; học sinh không phải ghi nhớ máy móc, khắc phục tình trạng thầy đọc trò chép; phát huy sự chủ động, sáng tạo của học sinh...

Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thẩm định, phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Hiện nay, sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 đang được thẩm định để phê duyệt, đưa vào sử dụng từ năm học 2021-2022.

Để thuận lợi triển khai chương trình mới, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, cả về công tác tập huấn, cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Các nhà trường từng bước giảm áp lực thành tích để tập trung vào nghiên cứu tài liệu, đổi mới phương pháp dạy học. 

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật học sinh từng bước được điều chỉnh theo hướng đánh giá năng lực và sự tiến bộ của học sinh, khen thưởng kịp thời, kỷ luật tích cực. Đây là cơ sở để ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa một cách thực chất; từng bước thay đổi tâm lý chạy theo thành tích, thi cử đã ăn sâu, bén rễ trong quan niệm xã hội.

Sau học kỳ đầu tiên triển khai, chương trình, sách giáo khoa mới đã bước đầu “thổi làn gió” tích cực vào công tác dạy-học của các nhà trường. Những tiết học của học sinh lớp 1 giờ trở nên sôi động hơn với nhiều hoạt động giáo dục được tổ chức nhằm tạo sự hứng thú học tập cho học sinh, quan trọng hơn là để các em được tự tìm tòi, khám phá và chiếm lĩnh tri thức; từ đó hình thành phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết.

Thầy cô được tự chủ, linh hoạt, sáng tạo triển khai các phương pháp dạy học tích cực phù hợp với năng lực của bản thân và nhận thức của học sinh hay, để từ đó phát huy tính chủ động, tích cực của học trò; làm cho mỗi tiết học trở thành một giờ vui của các học sinh và chính giáo viên.

Thời gian đầu triển khai chương trình mới, có một số phản ánh về sách giáo khoa môn Tiếng Việt nặng; một số ngữ liệu chưa phù hợp với học sinh lớp 1. Những vấn đề này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, đơn vị xuất bản khắc phục, tiếp thu, điều chỉnh. Những quy định về biên soạn, thẩm định sách giáo khoa đã được Bộ chỉnh sửa để đảm bảo sách giáo khoa các lớp học sau có chất lượng tốt hơn.

Tuy nhiên, một số địa phương, nhà trường vẫn đang đối mặt với những khó khăn khi triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Do tình hình dịch COVID-19, việc triển khai tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 có gián đoạn, ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ, chất lượng, hạn chế thời gian, giáo viên ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới. Các chương trình tập huấn chủ yếu thông qua trực tuyến, thực hành trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình) cho biết, Chương trình mới không tăng về lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học. Sách giáo khoa không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức. Do đó, các nhà trường phải giao cho giáo viên nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, đặc điểm của học sinh tại trường để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng. Cùng một chủ đề trong sách giáo khoa nhưng tùy vào đối tượng học sinh, trường này có thể dạy 2 tiết, trường khác có thể dạy 3, 4 tiết. Tốc độ thực hiện chương trình nhanh hay chậm từng giai đoạn có thể khác nhau, miễn là không vượt quá tổng thời gian cho môn học đó trong 1 năm. Trong quá trình thực hiện, giáo viên nhà trường được giao quyền chủ động để điều chỉnh cho phù hợp. Song, giáo viên một số trường còn lúng túng, chưa mạnh dạn thực hiện các phương thức dạy học mới mà vẫn thực hiện theo cách cũ. Ngoài ra, phụ huynh chưa được cung cấp thông tin đầy đủ về chương trình mới nên đưa ra những nhận định, đánh giá chưa thật phù hợp, đầy đủ, gây áp lực cho học sinh và cho giáo viên, nhà trường.

Tìm lối ra cho giáo dục phát triển phẩm chất

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề cập đến trở ngại lớn của tiến trình đổi mới là vấn đề “quá tải” trong giáo dục phổ thông. Vấn đề này đã được ngành Giáo dục và Đào tạo nhận diện và xã hội phản ánh ở nhiều góc cạnh nhưng không dễ giải quyết.

Giao duc pho thong moi - mo duong cho phat trien pham chat va nang luc hinh anh 1

(Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Thực tế hiện nay, nội dung giáo dục còn nặng về lý thuyết, nhiều nội dung không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây hứng thú cho học sinh. Phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành và vận dụng kiến thức.

Cùng với đó, học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông nên phải học nhiều. Hơn nữa, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường. Điều này dẫn đến hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, học sinh không còn thời gian nghỉ ngơi, cảm thấy mệt mỏi và áp lực.

Tinh thần Nghị quyết 29 cũng như Nghị quyết 88 chú trọng hơn vào việc “dạy người” chứ không chỉ chú tâm vào “dạy chữ” và tập trung phát triển năng lực, phẩm chất của người học.

Tuy nhiên, theo nhận định của Giáo sư Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội), thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, từ khi bắt đầu triển khai đến nay, chúng ta vẫn loay hoay chưa tìm được lối ra cho giáo dục để phát triển phẩm chất, đó là điều lo ngại nhất khi bước sang năm 2021 - năm thứ 2 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhìn từ việc tập huấn để đưa vào triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên toàn quốc, các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý cũng như nỗ lực biên soạn sách giáo khoa và các học liệu đi kèm có thể thấy, vấn đề phát triển phẩm chất của người học chưa thực sự được quan tâm đúng mức và đầy đủ.

Giáo sư Phạm Hồng Tung cho rằng, ở chừng mực nhất định nào đó, phẩm chất và năng lực đi liền với nhau, có những yếu tố trong nhân cách mà chúng ta khó phân biệt được đó là phẩm chất hay năng lực nhưng chương trình giáo dục mới đã đặt ra 6 nhóm phẩm chất cốt lõi mà chúng ta mong muốn hình thành ở học sinh bao gồm: yêu nước, nhân ái, chăm học chăm làm, tự chủ, trung thực, trách nhiệm.

Do đó, khi áp dụng vào thực tiễn, chúng ta cần có phương pháp làm thế nào để phát triển được các phẩm chất cốt lõi đó của người học. Muốn làm được điều này, sự kết hợp giữa 3 môi trường giáo dục (gia đình-nhà trường-xã hội) đòi hỏi những giải pháp có cơ sở khoa học chắn chắn. Khi đã là khoa học, nội dung giáo dục-cách thức tổ chức phải tạo ra sự bắc cầu và cơ chế của sự phối hợp, tức là phân chia trách nhiệm, nghĩa vụ phải rõ ràng.

Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó Giám đốc Kỹ thuật Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) nhận định: Bất kỳ đổi mới nào cũng phải vượt qua thách thức và khó khăn. Phải xem đó là quy luật tự nhiên. 

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp cận theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực, do vậy, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học. Để học sinh nắm bắt kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là dạy học phân hóa theo đối tượng, phù hợp theo từng học sinh. Giáo viên cần vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn, học sinh phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học, ngại học.

Ngoài ra, để học sinh khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, thầy cô không nên tạo áp lực về điểm số mà nên sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá mình và đánh giá lẫn nhau…

Kinh nghiệm từ mỗi lần đổi mới giáo dục cho thấy, đổi mới chỉ thành công khi đội ngũ giáo viên sẵn sàng nhập cuộc và được chuẩn bị kỹ lưỡng về chuyên môn đáp ứng yêu cầu của đổi mới./.

Theo Việt Hà (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/giao-duc-pho-thong-moi-mo-duong-cho-phat-trien-pham-chat-va-nang-luc/691153.vnp

  • Từ khóa

Khi trường học... vỡ nợ

Hệ lụy như anh P., một phụ huynh, là một trong nhiều người đi đòi nợ bất đắc dĩ với trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TP.HCM.
16:31 - 29/03/2024
10 lượt xem

Đề xuất tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng: Ứng biến với thực tiễn

Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng người tốt nghiệp cao đẳng ở những môn học mà địa phương đang thiếu giáo viên.
15:14 - 29/03/2024
50 lượt xem

Diễn biến kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây

Thống kê kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho thấy:
11:31 - 29/03/2024
144 lượt xem

Singapore trả tiền cho người lao động học về AI

Trong công bố ngân sách năm 2024, Singapore sẽ nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho những người trên 40 tuổi.
09:26 - 29/03/2024
194 lượt xem

Trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024 là năm cuối ngành Giáo dục thực hiện dạy học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Hiện nay, các trường trung học phổ thông...
07:39 - 29/03/2024
209 lượt xem