11
/
101320
Các tổ chức quốc tế khuyên Việt Nam điều chỉnh hai điều về giáo dục
cac-to-chuc-quoc-te-khuyen-viet-nam-dieu-chinh-hai-dieu-ve-giao-duc
news

Các tổ chức quốc tế khuyên Việt Nam điều chỉnh hai điều về giáo dục

Thứ 4, 02/12/2020 | 11:30:28
670 lượt xem

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, quốc tế đánh giá giáo dục Việt Nam có rất nhiều điểm tốt, nhưng có hai điều các tổ chức quốc tế khuyên chúng ta và Bộ Giáo dục-Đào tạo đã lồng ghép vào chương trình mới.

Tinh thần phản biện, sự độc lập, tự tin trước giáo viên đang là điểm yếu của giáo dục Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tinh thần phản biện, sự độc lập, tự tin trước giáo viên đang là điểm yếu của giáo dục Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo dục Việt Nam được đánh giá cao nhưng có hai điều các tổ chức quốc tế khuyên Việt Nam: Thứ nhất là thực học, thứ hai là phản biện.

Đó là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Đại hội biểu dương các mô hình học tập tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 1/12, tại Hà Nội.

Phối hợp điều chỉnh trong và ngoài nhà trường

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, kết quả giáo dục của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận với việc xếp thứ nhất trong số 6 nước khu vực Đông Nam Á (gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar và Phillipines) về các kỹ năng đọc hiểu, viết và toán học ở bậc tiểu học. Kết quả đánh giá PISA ở bậc trung học năm 2018 cho thấy học sinh Việt Nam xếp thứ 13 về đọc hiểu, xếp thứ 24 về toán học và thứ 4 về khoa học trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.

Theo Phó Thủ tướng, quốc tế đánh giá giáo dục Việt Nam có rất nhiều điểm tốt, nhưng có hai điều các tổ chức quốc tế khuyên và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lồng ghép vào chương trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.

Thứ nhất là thực học. Truyền thống khoa bảng của Việt Nam nói riêng và các nước Á Đông nói chung là rất đáng quý, nhưng nếu có không điều chỉnh sẽ dễ thiên về chủ nghĩa bằng cấp. Vì thế giáo dục trong nhà trường và ngoài xã hội phải từng bước nâng cao học những gì thiết thực nhất cho cuộc sống, để có nền tảng chuẩn bị cho tương lai mà không cần bằng cấp.

Cac to chuc quoc te khuyen Viet Nam dieu chinh hai dieu ve giao duc hinh anh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. (Ảnh: PV)

Thứ hai, điểm mạnh nhất của dân tộc Á Đông là hiếu học, chịu thương chịu khó, chịu áp lực học tập từ thuở bé, nhưng điểm cần điều chỉnh là với tư tưởng tôn sư trọng đạo, từ bé đã được huấn luyện tiếp thu một chiều, ít khi dám hỏi khi chưa hiểu, dám bày tỏ ý kiến của mình.

Về điều này, trong chương trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển từ giáo dục từ tiếp thu một chiều sang có trao đổi giữa học sinh và giáo viên, phát huy năng lực của học sinh.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trong các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường sẽ có điều kiện đi trước một bước để thực hiện các điều chỉnh trên. Phong trào khuyến học khuyến tài không chỉ là công tác bổ trợ mà thực sự gần như là một bộ phận có mối liên hệ khăng khít với giáo dục trong nhà trường.

Không đi ngược với thế giới

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của công tác khuyến học ngoài nhà trường, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: “Khi gặp các tổ chức quốc tế tôi rất tự hào khi được nói với họ rằng Hội Khuyến học Việt Nam có trên 21 triệu thành viên, lan tỏa đến tận từng ngóc ngách thôn xóm. Vào buổi tối, ở một số nơi hiện vẫn có tiếng kẻng, tiếng trống vang lên, người lớn giục trẻ em ngồi vào bàn học. Tất cả các chuyên gia, tổ chức quốc tế khi nghe điều đó đều nói rằng đó là cái phúc của đất nước ta.”

Cac to chuc quoc te khuyen Viet Nam dieu chinh hai dieu ve giao duc hinh anh 2

Phụ huynh đọc sách cùng con. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay không một quốc gia nào mà học sinh khi rời nhà trường rồi về đến nhà nhìn thấy bố mẹ lại nghĩ ngay đến việc học vì chính bố mẹ cũng đặt ra một yêu cầu là mình phải kèm con học bài.

“Điều này nếu chúng ta không có những điều chỉnh cần thiết cho phù hợp thì là không phù hợp với thế giới vì sẽ làm cho trẻ em bị áp lực học tập quá nặng mà bớt đi thời gian để vui chơi. Nhưng cũng không nên nhìn đơn thuần một phía như vậy vì tất cả các tổ chức quốc tế đều cho rằng việc duy trì một áp lực cần thiết cho trẻ em khi đi học là tốt. Việc các bậc cha mẹ của Việt Nam tự coi mình như một giáo viên ở nhà, nếu có hướng dẫn đúng mực về liều lượng và phương pháp thì đấy chính là điểm lợi của giáo dục Việt Nam,” Phó Thủ tướng nói.

Bên cạnh việc giáo dục tri thức, Phó Thủ tướng cho rằng giáo dục ngoài nhà trường cũng cấn chú trọng về giáo dục đạo đức, lao động để cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh hơn việc dạy làm người cho học sinh.

Ví dụ trước đây học sinh phải sinh trường lớp, thậm chí tham gia lao động, nhưng sau đó hoạt động này không được chú trọng. Học sinh, nhất là ở thành thị, không tham gia vệ sinh trường lớp, không tham gia lao động, dẫn đến rất nhiều cơ sở giáo dục xây dựng mới khang trang nhưng không được vệ sinh sạch sẽ. Từ khi thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, ngành giáo dục đã cố gắng đổi mới rất nhiều vấn đề này như nhấn mạnh việc vệ sinh trường lớp, lao động, sinh hoạt tập thể, nhưng nhiều cha mẹ có phần thương con nên chưa ủng hộ.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho hay ông rất mong sẽ được sự ủng hộ của toàn dân đồng hành cùng ngành giáo dục trong vấn đề này. “Năm điều Bác Hồ dạy ai cũng thuộc, trong đó Bác đã chỉ rõ phải biết yêu lao động,” Phó Thủ tướng chốt lại./.

Theo Phạm Mai (Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/cac-to-chuc-quoc-te-khuyen-viet-nam-dieu-chinh-hai-dieu-ve-giao-duc/679953.vnp

  • Từ khóa

Khi trường học... vỡ nợ

Hệ lụy như anh P., một phụ huynh, là một trong nhiều người đi đòi nợ bất đắc dĩ với trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại TP.HCM.
16:31 - 29/03/2024
138 lượt xem

Đề xuất tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng: Ứng biến với thực tiễn

Bộ GD&ĐT đề xuất tuyển dụng người tốt nghiệp cao đẳng ở những môn học mà địa phương đang thiếu giáo viên.
15:14 - 29/03/2024
185 lượt xem

Diễn biến kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây

Thống kê kết quả tuyển sinh đại học chính quy những năm gần đây của Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho thấy:
11:31 - 29/03/2024
286 lượt xem

Singapore trả tiền cho người lao động học về AI

Trong công bố ngân sách năm 2024, Singapore sẽ nâng cao và đào tạo lại kỹ năng trí tuệ nhân tạo (AI) cho những người trên 40 tuổi.
09:26 - 29/03/2024
342 lượt xem

Trang bị kiến thức, kỹ năng tốt nhất cho học sinh dự thi tốt nghiệp THPT

Năm 2024 là năm cuối ngành Giáo dục thực hiện dạy học và thi theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Hiện nay, các trường trung học phổ thông...
07:39 - 29/03/2024
358 lượt xem