190
/
101225
Chết nhanh hơn bởi 'bỏ đói tế bào ung thư'
chet-nhanh-hon-boi-bo-doi-te-bao-ung-thu
news

Chết nhanh hơn bởi 'bỏ đói tế bào ung thư'

Thứ 2, 30/11/2020 | 16:00:10
764 lượt xem

Nhiều bệnh nhân ung thư ăn thực dưỡng để "bỏ đói tế bào ung thư", hoặc ăn "không thịt đỏ" ngăn tái phát, ít lâu sau cơ thể suy kiệt.

Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ,Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức, nhấn mạnh ăn uống theo chế độ thực dưỡng hoặc "bỏ đói" khối u, thực tế không chữa được ung thư. Không ít câu chuyện lan truyền người này người kia nhờ ăn gạo lứt, tỏi, dâu tây, chanh..., khối u di căn biến mất. Nhiều người bệnh do đó hoang mang, nghi ngờ y học hiện đại và các phương pháp can thiệp khoa học; hoặc bỏ điều trị để ăn uống theo cách được đồn thổi dẫn đến cái chết nhanh hơn.

Theo bác sĩ Vũ, cơ thể hàng ngày liên tục phân chia tế bào, tế bào cũ chết đi, tế bào mới ra đời. Tuy nhiên thay vì phân tách lành mạnh, có những tế bào phát triển dị biệt. Tế bào ấy phát triển, tăng sinh một cách không kiểm soát, có thể xâm lấn các cấu trúc xung quanh quá mức và "khối u" ra đời.

Có những khối u dễ dàng cắt bỏ gọi là u lành, không xâm lấn vào các cơ quan lân cận hoặc chạy qua vị trí khác. Có những khối u ác tính phá hoại và di căn, gọi là ung thư. Tế bào ung thư lây lan khắp các bộ phận trong cơ thể, bám vào gan, phổi, thận, xương... để hút dưỡng chất và phá hoại, khiến cơ thể suy kiệt.

Ung thư được xem là bệnh lý mạn tính, cách điều trị tùy vào từng bệnh nhân, từng khối u. Khi ấy, bác sĩ căn cứ vào bệnh lý của mỗi bệnh nhân để áp dụng những phác đồ điều trị khác nhau như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị nội tiết, điều trị miễn dịch hoặc kết hợp nhiều phương pháp nhằm kéo dài sự sống.

Phương pháp thực dưỡng vốn xuất phát từ châu Âu, sau đó du nhập vào Nhật Bản từ những năm 30 của thế kỷ trước, được cho không chỉ là cách ăn uống mà còn là triết lý sống, dựa trên cân bằng âm dương, vận động ngũ hành, kết nối với vũ trụ...

"Tuy nhiên đó chỉ là những suy đoán, tự tưởng tượng của những người theo trường phái này mà chưa có bằng chứng khoa học", bác sĩ Vũ nói.

Thực dưỡng đơn giản là cách ăn uống kết hợp với thể dục dưỡng sinh. 

Thực dưỡng đề cao chế độ ăn dựa trên ngũ cốc nguyên cám, đậu, gạo lứt, rau củ quả trồng tại chỗ, rong biển, trái cây. Hạn chế thịt, nhất là thịt đỏ, mỡ, trứng, các loại thực phẩm đóng hộp, đường tinh luyện, hoặc thực phẩm có dùng các loại phân bón, thuốc trừ sâu... Cùng với chế độ ăn là phương pháp dưỡng sinh, vận động thích hợp.

"Người Việt chủ yếu ăn thịt trắng như heo, gà, bữa ăn lúc nào cũng có chén canh rau, nên lời khuyên hạn chế thịt đỏ là không cần thiết", bác sĩ Vũ chia sẻ.

            Ảnh: savvytokyo

Ăn uống theo thực dưỡng hoặc "bỏ đói" khối u không chữa được ung thư. Ảnh: savvytokyo

Cũng không nên xa lánh thịt, dầu mỡ. Protein và chất béo là thành phần phải có trong cấu tạo cơ thể. Các cơ quan quan trọng như tim, gan, phổi... đều được tạo thành từ protein và chất béo, do đó không nên quá sợ và hạn chế quá mức các chất này. Các loại acid béo thiết yếu omega 3, omega 6 rất tốt cho tim, mắt, não... chỉ có được qua vài loại thực phẩm như cá, dầu ô liu, đầu đậu nành... Quá hạn chế thịt, dầu mỡ sẽ dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch, dễ nhiễm bệnh hơn.

Hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh thực dưỡng có hiệu quả phòng ngừa hoặc điều trị bệnh, nhất là bệnh ung thư. Ngược lại đã có nhiều người bị suy dinh dưỡng khi ăn theo phương pháp này. Các tổ chức cộng đồng về phòng chống ung thư hiện nay không khuyến khích người bệnh tuân theo phương pháp thực dưỡng.

Nhiều bệnh nhân "bỏ đói" tế bào ung thư bằng chế độ ăn khắc nghiệt chỉ gồm gạo lứt, rau cải, hạn chế tuyệt đối chất đạm, đường, béo... Người bệnh nghĩ rằng làm vậy sẽ cắt nguồn dinh dưỡng nuôi khối u và làm khối u nhỏ đi.

"Cần hiểu rằng ung thư như cây tầm gửi hoặc loài chí rận sẽ hút cạn chất dinh dưỡng của cơ thể bệnh nhân dù họ có nhịn đói", bác sĩ Vũ khuyến cáo. Người bệnh phải duy trì bữa ăn đầy đủ đạm, đường, chất béo... thì cơ thể mới khỏe mạnh. Hệ miễn dịch hoạt động tốt thì mới có cơ hội đánh bại tế bào ác tính. Việc bỏ đói ung thư thật ra sẽ làm cơ thể suy kiệt trước, các cơ quan, hệ miễn dịch bị tổn thương thì không chỉ bệnh ung thư mà cả các bệnh truyền nhiễm cũng dễ dàng tấn công.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo, quá trình điều trị ung thư cần ăn uống lành mạnh, đủ chất, giúp tăng cường đề kháng, phục hồi các cơ quan thương tổn. Dinh dưỡng tuy không trực tiếp trị hết bệnh ung thư nhưng là nền tảng cho mọi hoạt động cơ thể. Mọi người cũng nên chú ý các thay đổi của cơ thể và đi khám bệnh khi cần thiết.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/chet-nhanh-hon-boi-bo-doi-te-bao-ung-thu-4198935.html

  • Từ khóa

Thêm trẻ ngộ độc chì, nguy kịch do 'thuốc nam'

Bệnh viện Nhi trung ương thông tin đang điều trị tích cực cho một bé 3 tuổi nguy kịch do ngộ độc chì. Đây là trường hợp thứ hai trong vòng 2 tháng...
16:31 - 25/04/2024
59 lượt xem

Uống rượu, hút thuốc xong chớ dại ăn bưởi kẻo hại sức khỏe

Nhiều người thường ăn bưởi sau bữa ăn, kể cả có uống rượu bia vì nghĩ loại quả này nhiều nước và vitamin C nên có thể giải rượu. Tuy nhiên, chuyên gia sức...
17:34 - 25/04/2024
38 lượt xem

Loại củ thường có trong bếp tác dụng không ngờ đối với sức khỏe nam giới

Từ tăng cường khả năng miễn dịch, giảm cholesterol xấu, bảo vệ gan, đến làm chậm sự phát triển của bệnh Alzheimer, ngăn ngừa ung thư, có thể nói tỏi là...
13:12 - 25/04/2024
134 lượt xem

Một triệu chứng sau bữa nhậu chứng tỏ gan, thận đang cầu cứu

Tuy đây thường được coi là một hiện tượng tạm thời, nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng đau lưng sau khi nhậu có thể là một dấu hiệu của vấn đề sức khỏe...
11:08 - 25/04/2024
200 lượt xem

Bệnh nào cần tránh ăn ớt?

Ớt không chỉ được biết đến với vị cay hấp dẫn mà còn là nguồn cung cấp vitamin và chất chống ô xy hóa dồi dào. Một trong những dưỡng chất có lợi nhất...
08:17 - 25/04/2024
254 lượt xem